Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Drắk: Tuyến y tế cơ sở còn nhiều khó khăn

08:30, 06/12/2022

Trong những năm qua, mặc dù huyện M’Drắk đã triển khai nhiều chính sách thu hút cũng như quan tâm cử cán bộ y tế đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn song nhân lực ngành y tế huyện, đặc biệt là tuyến y tế cấp cơ sở vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế dự phòng.

Ea Trang là xã vùng 3 của huyện M’Drắk; dân số trên 6.000 người, có 15 dân tộc cùng chung sống, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Êđê và dân tộc Mông. Trạm Y tế xã Ea Trang hiện có 7 cán bộ, nhân viên y tế. Địa bàn rộng, dân cư sống rải rác nên công việc của nhân viên y tế rất vất vả. Nhiều năm nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của Trạm phải kiêm nhiệm nhiều việc, nhiều lĩnh vực, dẫn đến tình trạng quá tải. Hiện trạm vẫn thiếu hai nhân lực y tế về xét nghiệm và đông y, dù trạm đã đăng ký tuyển dụng nhân sự từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thu hút được nhân viên y tế về công tác.

Nhân viên y tế xã Ea Trang lấy mẫu test nhanh COVID-19 cho người dân.

 

Bên cạnh đó, theo quy định phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế, trạm y tế tuyến cơ sở được phép thực hiện tới hơn 3.000 dịch vụ kỹ thuật. Tuy nhiên, do khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực nên đến nay, Trạm Y tế xã Ea Trang mới chỉ thực hiện được gói dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản với hơn 70 kỹ thuật thông thường. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện M’Drắk.

Hiện huyện M’Drắk có 13 trạm y tế xã, thị trấn, bao gồm cả mạng lưới y tế thôn, buôn; 100% các trạm đã có bác sĩ, 92% số trạm có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, 100% số thôn, buôn, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động. Thời gian qua, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trạm y tế trên địa bàn huyện đang ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu tiếp cận các dịch vụ y tế gần nhất, có chất lượng, chi phí phù hợp với người dân.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động của các trạm y tế vẫn rất khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn lực, nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, sau năm 2019 với việc thực hiện các Thông tư 37 và Thông tư 07 của Bộ Y tế về việc sáp nhập các trung tâm y tế đa chức năng thì tuyến y tế cơ sở đảm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ như: khám chữa bệnh, y tế dự phòng, dân số kế hoạch hóa gia đình, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế… Việc nhiều, nhân lực thiếu khiến đội ngũ nhân viên y tế cấp cơ sở quá tải, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh.

 

Trung tâm Y tế huyện M'Drắk thường xuyên tổ chức các đợt khám bệnh miễn phí cho người dân vùng sâu, vùng xa.

Đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, địa bàn rộng, dân cư lại phân bổ không đồng đều như huyện M’Drắk thì việc ưu tiên đầu tư cho tuyến y tế cấp xã nhằm chăm sóc sức khỏe cộng đồng và giảm tải bệnh nhân chuyển lên tuyến trên là vô cùng cần thiết.

Theo bà Lê Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện M’Drắk, để thu hút nhân lực ngành y tế, cần phải vận dụng hiệu quả Đề án 585 của Bộ Y tế về phát triển đội ngũ y bác sĩ trẻ cho các huyện nghèo.

Trong đó, ngoài việc đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1 thì có thể đào tạo liên thông các y sĩ người dân tộc thiểu số, qua đó tận dụng được nguồn nhân lực tại địa phương, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại cấp cơ sở.

Việc thường xuyên cắt cử, luân chuyển bác sĩ về hỗ trợ kỹ thuật tuyến cơ sở cũng được xem là giải pháp hiệu quả trong tình hình thiếu hụt nhân lực như hiện nay. Cùng với đó, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để nhân viên y tế yên tâm công tác và gắn bó lâu dài với ngành y.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.