Phát huy vai trò chủ động của phụ nữ
Qua 5 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 938), các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, xây dựng các mô hình hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ động của hội viên trong tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em.
Ngay sau khi Đề án 938 được ban hành, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2942/QĐ-UBND, ngày 24/10/2017 triển khai thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh, trong đó giao Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh là cơ quan chủ trì phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để triển khai đề án. Mục tiêu chung của đề án là truyền thông, hỗ trợ phụ nữ nâng cao kiến thức, chuyển đổi hành vi, phát huy vai trò chủ động của phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Trong đó, tập trung vào các nội dung liên quan đến an toàn cho phụ nữ và trẻ em, như: phòng, chống bạo lực gia đình, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, giáo dục cha mẹ về chăm sóc và bảo vệ trẻ em…
Cán bộ Hội LHPN xã Ea Bông (huyện Krông Ana) tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình cho hội viên. |
Hội LHPN huyện Krông Ana là một trong những đơn vị thực hiện tốt Đề án 938. Trong 5 năm qua, Hội đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với đặc điểm địa phương để cung cấp kiến thức, kỹ năng cho hội viên, phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em như: Nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết; diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói”; hội nghị truyền thông về “Phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới và mất cân bằng giới tính khi sinh”… Từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN huyện đã tổ chức được gần 300 buổi tuyên truyền gắn với nội dung đề án, thu hút hơn 69.000 lượt học sinh, cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia.
Hội viên, phụ nữ phường Thành Nhất hưởng ứng phong trào phụ nữ mua sắm không sử dụng túi ni lông do Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột triển khai. |
Sau 5 năm thực hiện, Đề án 938 bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, giúp hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức về chấp hành pháp luật và phát huy vai trò chủ động trong ứng phó, giải quyết các bức xúc xã hội có liên quan đến phụ nữ”. Trưởng Ban Gia đình xã hội - Kinh tế, Hội LHPN tỉnh Võ Thị Ngọc
|
Cùng với tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Krông Ana cũng chú trọng xây dựng và duy trì có hiệu quả các mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Đến nay, các cấp hội đã xây dựng được 52 mô hình, với gần 2.100 hội viên, phụ nữ tham gia như: “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, Câu lạc bộ Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, “Nhóm cha mẹ có con từ 0 - 8 tuổi”... Nổi bật là mô hình “Chi hội phụ nữ ba an toàn” tại tổ dân 6, thị trấn Buôn Trấp (với 65 thành viên) thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần thay đổi thái độ, hành vi của phụ nữ và cộng đồng. Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Buôn Trấp Phạm Thị Mến nói: “Tham gia mô hình, chị em được cung cấp nhiều kiến thức bổ ích về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình, cách chăm sóc, giáo dục con cái… Từ đó, giúp họ mạnh dạn, chủ động hơn và sẵn sàng lên tiếng để bảo vệ bản thân tránh khỏi bạo lực, giải quyết các vấn đề xã hội liên quan trong cuộc sống hằng ngày”.
Ngoài ra, Hội LHPN thị trấn Buôn Trấp cũng đã thành lập Tổ tư vấn cộng đồng với 7 thành viên. Các thành viên trong tổ đã thể hiện vai trò trong các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực và xâm hại tình dục, giúp chị emmạnh dạn lên tiếng khi bị bạo lực, tự giác khai báo tình trạng trẻ em trong gia đình bị xâm hại, chủ động tìm kiếm các địa chỉ hỗ trợ tin cậy khi cần; góp phần giảm thiểu số lượng nạn nhân bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trên địa bàn thị trấn. Trong 5 năm qua, tổ đã phối hợp xử lý 3 vụ xâm hại hoặc có dấu hiệu xâm hại phụ nữ, trẻ em.
Với nhiều giải pháp sáng tạo gắn với nội dung, chủ đề trọng tâm hằng năm, Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện Đề án 938; góp phần nâng cao năng lực, kiến thức cho phụ nữ trong tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Theo đó, trong giai đoạn 2017 - 2022, các cấp hội đã cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực giới, cách thức lên tiếng trước các hành vi bạo lực cho hơn 3.400 cán bộ, hội viên, phụ nữ; tổ chức tư vấn, hỗ trợ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 7 vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em; kịp thời thăm hỏi, giúp đỡ 23 trường hợp phụ nữ, trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại; xây dựng 68 mô hình vận động hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết, giám sát một số vấn đề xã hội…
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc