Huyện Ea Súp: Nhiều khó khăn trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh
Chú trọng chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong khi mang thai, sau khi sinh và chăm sóc trẻ sơ sinh sẽ giảm thiểu tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Tuy nhiên, ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn trên địa bàn huyện Ea Súp, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.
Mặc dù nhà cách Trạm Y tế xã Ea Rốk không xa, nhưng khi mang thai hai đứa con đầu, chị N.T.Q. (thôn 11) không đi khám thai định kỳ cũng như chăm sóc thai nghén chu đáo. Chị Q. cho biết, từ ngày mang thai đến khi sinh, chị chỉ đến cơ sở y tế để siêu âm một lần vì bận bịu với công việc đồng áng. Cũng vì không theo dõi thai kỳ nên chị không biết tử cung của mình bị mỏng và thấp. Đến khi thai nhi lớn lên bị trì xuống, gây đau và dọa sinh non. May mắn cả hai đứa con đầu đều được sinh mổ an toàn. Sau này, khi tham dự các buổi truyền thông do Trạm Y tế xã tổ chức, chị mới biết được tầm quan trọng của việc chăm sóc thai và quản lý thai tại cơ sở y tế.
Truyền thông trực tiếp về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh tại Trạm Y tế xã Ea Rốk. Ảnh: Đình Thi |
Những trường hợp thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe khi mang thai như chị N.T.Q. là khá phổ biến. Xã Ea Rốk cách trung tâm huyện Ea Súp gần 20 km, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở đây còn nhiều hạn chế do đời sống người dân khó khăn, trình độ dân trí thấp, công tác tuyên truyền, vận động chưa được chú trọng sâu rộng… Năm 2022, tỷ lệ phụ nữ khám thai từ 3 lần trở lên chỉ đạt 52%, tỷ lệ bà mẹ thăm khám sau sinh là 47%, phụ nữ mang thai tiêm phòng uốn ván chỉ đạt 52,3%, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng chiều cao và cân nặng vẫn ở mức cao. Đặc biệt đến nay, tình trạng sinh con tại nhà vẫn còn diễn ra.
Chị Khổng Thị An (Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Ea Súp) cho biết, Ea Súp là huyện có tỷ lệ dân di cư ngoài kế hoạch cao, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, trình độ dân trí thấp, sống tập trung khu vực xa trung tâm huyện, khó tiếp cận các dịch vụ y tế. Đặc biệt, phần lớn phụ nữ người dân tộc thiểu số không biết tiếng Kinh, chưa nhận thức và chưa biết tự chăm sóc sức khỏe trước, trong khi mang thai và sau khi sinh, thiếu kiến thức về chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh; việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh vẫn theo phong tục lạc hậu. Nhiều chị em người dân tộc thiểu số vẫn còn quan niệm khi mang thai phải làm việc nặng nhọc để dễ sinh; không biết lợi ích của việc khám thai định kỳ; trẻ sinh ra không được bú ngay sữa mẹ mà người mẹ nhai gạo sống bỏ vào miệng bé hoặc cho uống nước chanh vắt, mật ong để trẻ nôn ói ra những chất bẩn trong cổ; sản phụ sau sinh phải nằm than để săn chắc cơ thể...
Truyền thông trực tiếp về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh tại buôn Mthal, xã Ea Rốk. |
Trước những bất cập trong công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh, năm 2022, Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk” được triển khai tại 5 xã khó khăn của huyện Ea Súp gồm Ea Lê, Ea Rốk, Cư Kbang, Ia R’vê, Ia Lốp. Dự án bước đầu triển khai các hoạt động như: Tập huấn nâng cao năng lực truyền thông cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã và y tế thôn, buôn; hỗ trợ đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, buôn tổ chức hoạt động truyền thông trực tiếp: nói chuyện sức khỏe, tư vấn sức khỏe, thảo luận nhóm, thăm hộ gia đình, sinh hoạt câu lạc bộ để vận động chị em phụ nữ thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám phụ khoa định kỳ, điều trị phụ khoa, khám thai định kỳ, chọn nơi sinh an toàn và nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tư vấn cách chăm sóc trẻ sơ sinh tại nhà…
Với sự hỗ trợ ban đầu của dự án, năng lực chuyên môn và kỹ năng truyền thông của đội ngũ cán bộ y tế các xã triển khai được nâng lên rõ rệt. Nhận thức của người dân, đặc biệt là bà mẹ ban đầu đã có những thay đổi tích cực. Với mục tiêu duy trì và làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, trong thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện Ea Súp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh với nhiều hình thức và nội dung phong phú hơn, đa dạng hơn, phù hợp với từng đối tượng; tiếp tục củng cố và kiện toàn mạng lưới y tế thôn, buôn, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ trạm y tế…
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc