Multimedia Đọc Báo in

Lặng thầm chiến đấu với COVID-19

07:55, 09/08/2021

Giấu mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít suốt ngày đêm, từ nhiều ngày qua, đội ngũ y bác sĩ ở Bệnh viện Dã chiến số 1 luôn sát cánh cùng bệnh nhân để đẩy lùi mầm họa COVID-19.

Điểm tựa tin cậy của người bệnh

Để ứng phó với diễn biến phức tạp của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư, khi số lượng người mắc bệnh không ngừng gia tăng trên địa bàn, cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh đã trưng dụng Ký túc xá Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk làm Bệnh viện Dã chiến số 1 điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh (Bệnh viện Dã chiến số 1), tiếp nhận điều trị các ca bệnh F0 không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ.

Bệnh viện bắt đầu đi vào hoạt động từ lúc 0 giờ ngày 28-7, đến nay đang tiếp nhận và điều trị 143 bệnh nhân.

Với sức chứa 1.000 giường bệnh, nhân lực của bệnh viện hiện có 80 cán bộ, y bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý và khoảng 20 người là lực lượng hậu cần và hỗ trợ khác. Mặc dù đội ngũ nhân lực đến từ nhiều đơn vị trên địa bàn, nhưng khi phân thành những ekip thì làm việc khá nhịp nhàng, sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau.

Làm việc trong môi trường cách ly tuyệt đối, giao tiếp chủ yếu bằng ánh mắt, tất cả anh chị em đều tận tâm thực hiện các thao tác y thuật bằng kỹ năng nghề nghiệp và sự thôi thúc từ trái tim.

Cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế, phục vụ tại bệnh viện được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 hằng tuần.

Hiện tại, block nhà B6 được sử dụng làm khu điều trị bệnh nhân gồm 5 tầng, tầng trệt gồm Khoa cấp cứu với 20 giường bệnh, tiếp nhận cấp cứu, phân loại bệnh nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế; các khoa cận lâm sàng gồm có Khoa xét nghiệm siêu âm, Khoa X-quang, vùng đệm – vùng thay đồ bảo hộ nhân viên y tế. Tầng 2 sử dụng để tiếp nhận những bệnh nhân có bệnh lý nền, có yếu tố nguy cơ mà không có triệu chứng, những người trên 60 tuổi. Tầng 3 dành cho trẻ em và phụ nữ có thai. Tầng 4 và tầng 5 dành cho nhóm nhiễm SARS-CoV-2 không thuộc hai nhóm trên.

Làm việc trong môi trường đầy rẫy khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 1 đều có chung một nguyện vọng góp sức mình cùng cộng đồng mau chóng khống chế dịch bệnh cho các bệnh nhân sớm trở lại cuộc sống bình thường và họ cũng có thể sớm trở về bên người thân, gia đình.

 

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Doãn Sơn, Trưởng Khoa Khám – Cấp cứu của bệnh viện chia sẻ, các bệnh nhân vào điều trị tại bệnh viện đa số không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, tuy nhiên chủng Delta tiến triển rất nhanh, do đó đội ngũ y, bác sĩ làm nhiệm vụ tại đây phải bám sát bệnh nhân 24/24 giờ nhằm phát hiện sớm trường hợp chuyển biến nặng hơn để chuyển tuyến kịp thời theo phân tầng của Sở Y tế. Y bác sĩ điều trị được phân công thăm khám cố định theo tầng để nắm được tình trạng của bệnh nhân cũng như dễ chia sẻ, động viên bệnh nhân khi cần. Bởi việc điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 không đơn giản chỉ là khám chữa bệnh và kê thuốc mà còn nắm bắt tâm lý bệnh nhân.

Các bác sĩ phải rất tinh ý để phát hiện đâu là triệu chứng thật, đâu là triệu chứng giả, trường hợp triệu chứng thật thì phải lo cấp cứu, phát hiện chuyển độ thì phải chuyển tuyến kịp thời; với triệu chứng giả thì động viên, trấn an tâm lý, chăm sóc để họ ổn định tinh thần.

Do lượng công việc nhiều nên mỗi ca trực luôn phải tập trung cao độ, chính xác trong chuyên môn, khéo léo trong xử trí tình huống, là điểm tựa tin cậy cho người bệnh.

Bảo vệ mình để lo cho bệnh nhân

Cùng với công tác điều trị, Bệnh viện Dã chiến số 1 luôn chủ động phòng, chống nhiễm khuẩn, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho y bác sĩ và bệnh nhân, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng lây nhiễm chéo từ người bệnh sang nhân viên y tế.

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 1 cho biết, bệnh viện được chia thành 3 khu, bao gồm khu điều trị cho bệnh nhân, khu nghỉ cho nhân viên sau khi ra ca trực và khu hành chính. Tất cả những khu này đều độc lập với nhau và được bảo đảm vô khuẩn tuyệt đối. Hằng tuần, bệnh viện tổ chức lấy mẫu test nhanh cho cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế và các lực lượng khác để theo dõi sức khỏe và đưa ra những tình huống, kịch bản giả định khi có nhân viên y tế dương tính với SARS-CoV-2, từ đó xây dựng phương án ứng phó kịp thời.

Bữa ăn của bệnh nhân được nhân viên y tế mang đến phát tại phòng.

Đồng thời, tại Khoa Khám – Cấp cứu, bệnh viện cũng thành lập phòng điều dưỡng với 3 chức năng (hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân, phòng chống nhiễm khuẩn, hướng dẫn thao tác mặc đồ bảo hộ và các bước phân luồng để giảm thiểu tối đa tình trạng lây nhiễm ở khu điều trị).

Theo bác sĩ Phạm Thị Thủy, cán bộ phụ trách phòng, chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện, trước khi bệnh viện đi vào hoạt động và tiếp nhận bệnh nhân, toàn bộ nhân lực của bệnh viện đều được tập huấn kỹ năng chống nhiễm khuẩn từ lý thuyết đến thực hành.

Trong khu vực điều trị cũng được phân định rõ luồng sạch, luồng bẩn, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho y bác sĩ. Ở khu vực vùng đệm luôn có 2 điều dưỡng túc trực, giám sát nhân viên y tế về việc mặc đồ bảo hộ an toàn. Khi nhân viên y tế hết ca trực đi ra đều phải tuân thủ việc tháo đồ bảo hộ đúng quy định. Đối với bệnh nhân cũng được  phân luồng lối đi riêng, thực hiện thông điệp 5K.

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.