Multimedia Đọc Báo in

Triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi

06:36, 10/04/2022

Trong tháng 4 và tháng 5/2022, ngành y tế tỉnh sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi nhằm hạn chế tình trạng trở nặng, tử vong khi mắc bệnh, tạo lá chắn bảo vệ trẻ trước dịch COVID-19.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 20% trong tổng số ca mắc. Vì các đối tượng trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin nên đây sẽ là nguồn lây truyền bệnh rất lớn.

Do đó, để bảo vệ trẻ và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, việc tiêm phòng vắc xin cho trẻ từ 5 - 11 tuổi là điều hết sức cần thiết, bởi khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, cơ thể trẻ sẽ tạo ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập của vi rút, qua đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh, đồng thời giúp rút ngắn thời gian mắc bệnh, giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong cho trẻ.

Ngành y tế tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi trên địa bàn tỉnh. Ảnh: K.Oanh

Toàn tỉnh hiện có khoảng 200.000 trẻ từ  5 - 11 tuổi, dự kiến trong tháng 4 và tháng 5/2020, toàn bộ số trẻ này sẽ được triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 đồng loạt. Theo lãnh đạo CDC, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi có ý nghĩa rất quan trọng, làm giảm nguy cơ bệnh nặng, giảm nguy cơ lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là người có nguy cơ cao, đồng thời góp phần tăng diện bao phủ vắc xin trong cộng đồng nhằm bảo đảm thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi được sử dụng là vắc xin Pfizer/BioNTech. Đây là loại vắc xin đáp ứng đủ các tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả để cấp phép sử dụng khẩn cấp cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Tại Việt Nam, vắc xin Pfizer/BioNTech cũng đã được Bộ Y tế phê duyệt tiêm cho trẻ. Với độ tuổi từ 5 - 11, trẻ sẽ được tiêm 2 mũi vắc xin, mỗi mũi cách nhau 4 - 5 tuần với liều lượng 0,2 ml nồng độ kháng nguyên 10 mcg.

 

Hiện nay, Đắk Lắk đã hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi và các đối tượng từ 18 tuổi trở lên với tỷ lệ trên 95% người dân được tiêm ít nhất 2 mũi. Song song đó, tỉnh cũng đã triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi bổ sung và mũi tăng cường cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Đến nay đã đạt trên 63% người được tiêm mũi 3.

Thời gian qua, để chuẩn bị cho việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi, các địa phương đã khẩn trương thống kê số trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, thông báo cho các phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ ghi thông tin cần thiết của trẻ và nhận được sự đồng thuận của phần lớn phụ huynh. Chị Phan Quỳnh Anh (trú phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, sau khi nghe nhà trường thông báo phụ huynh cung cấp mã số định danh của con để chuẩn bị tiêm vắc xin phòng COVID-19, hầu hết phụ huynh trong lớp của con chị đều đồng tình và đăng ký cho trẻ tiêm vắc xin. Mặc dù còn khá lo lắng về các phản ứng phụ của vắc xin nhưng bản thân chị cũng thấy tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin cho trẻ, nhất là tại thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Giải đáp băn khoăn của các phụ huynh về tác dụng phụ của vắc xin có thể xảy ra với trẻ, đại diện CDC cho rằng, bất cứ một loại vắc xin nào khi tiêm vào cơ thể đều xảy ra các phản ứng phụ.

Đối với vắc xin phòng COVID-19, mặc dù là vắc xin mới nhưng đã được thử nghiệm lâm sàng tại nhiều quốc gia và kết quả khá an toàn, hầu như không có mối lo ngại nghiêm trọng nào về tính an toàn được xác nhận.

Các phản ứng phụ được báo cáo là nhẹ và tương tự như những phản ứng sau khi tiêm các loại vắc xin thông thường như đau nhức tại vị trí tiêm, đau cơ, sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi. Những tác dụng phụ này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hằng ngày của trẻ, nhưng sẽ biến mất từ 3 - 5 ngày.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần lưu ý, do trẻ từ 5 - 11 tuổi còn nhỏ nên khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 về cần được theo dõi sát sao trong vòng 72 giờ sau đó. Nếu phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường thì cần báo ngay cho nhân viên y tế tại các điểm tiêm chủng để được hướng dẫn xử trí kịp thời.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.