Multimedia Đọc Báo in

Vắc xin - “lá chắn” bảo vệ sức khỏe cho người lớn tuổi

08:22, 26/02/2023

Người lớn tuổi có hệ miễn dịch yếu, khó thích nghi trước sự thay đổi thời tiết và khó phòng vệ trước sự tấn công của các tác nhân gây bệnh. Vì vậy, đối với người cao tuổi, việc tiêm vắc xin rất cần thiết, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh và các nguy cơ biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Năm nay 74 tuổi, bà H.N.D. (ở huyện Cư M’gar) mắc rất nhiều bệnh như: cao huyết áp, đái tháo đường, viêm đa khớp và thoái hoá… Bà D. cho biết bản thân chưa từng tiêm loại vắc xin dịch vụ nào, còn vắc xin được miễn phí hoàn toàn, như: vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván và phòng bệnh COVID-19, bà chỉ tiêm mỗi loại được 1 mũi. Cơ thể yếu, lại chưa chú trọng việc tiêm vắc xin phòng bệnh nên bà D. dễ ốm yếu, khi mắc bệnh như cảm cúm thì cơ thể mệt mỏi đến mức gần như không làm được việc gì kể cả những việc đơn giản như quét nhà, rửa chén, nấu ăn. Mới đây, do mắc bệnh cảm cúm nên bà bị suy nhược cơ thể, ăn uống không ngon miệng, ngủ không ngon giấc kéo dài, gia đình phải đưa bà D. đến khoa Lão, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để điều trị.

Còn ông T.V.M. (71 tuổi, ở xã Hoà Phú, TP. Buôn Ma Thuột) thì quan niệm rằng chỉ nên tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em và phụ nữ mang thai, còn người lớn tuổi không cần thiết phải tiêm vì cơ thể của họ vốn đã mắc rất nhiều bệnh, thường xuyên ốm đau nên tiêm vắc xin cũng không có tác dụng phòng bệnh.

Tiêm ngừa phòng các loại bệnh cho người lớn tuổi sẽ giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong. Ảnh: Đình Thi

Theo bác sĩ Võ Thị Diệu Hà (khoa Lão, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), những trường hợp của bà D., và ông M. không phải là hiếm. Rất nhiều các trường hợp nhập viện điều trị tại khoa Lão đều không tiêm vắc xin phòng bệnh, kể cả bệnh COVID-19, hoặc nếu có tiêm cũng chỉ tiêm 1 đến 2 mũi vắc xin.

Bác sĩ Hà cho biết, khi lớn tuổi, hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu dần, cơ thể bị lão hoá theo tự nhiên dẫn đến nguy cơ bị viêm nhiễm cũng cao hơn người trẻ tuổi. Nếu không tiêm vắc xin phòng bệnh để khởi động lại hệ miễn dịch, người lớn tuổi rất dễ nhiễm bệnh và khi đã nhiễm bệnh sẽ có chiều hướng diễn tiến nghiêm trọng, gây khó khăn trong điều trị, để lại di chứng nặng nề, thậm chí là tử vong.

 

Hiện nay, người lớn tuổi có thể tiêm các loại vắc xin phòng bệnh như: cúm mùa, phế cầu, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan A, B, sởi, quai bị, rubella, não mô cầu...

Theo số liệu thống kê của Trung tâm tiêm chủng (VNVC), hằng năm, có hàng triệu người trưởng thành mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm như: cúm, viêm màng não mô cầu, viêm phổi do phế cầu, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan A-B… Trong khi đó, những bệnh này đều có thể chủng ngừa được bằng vắc xin. Chẳng hạn như bệnh cúm, ở người khoẻ mạnh từ 18-60 tuổi, vắc xin cúm giúp giảm đến 74% triệu chứng cảm lạnh, giảm biến chứng cúm gồm: viêm phế quản, viêm phổi đến 40%. Ở người trên 60 tuổi, nhóm sử dụng vắc xin cúm có tỷ lệ giảm tương đối bệnh giống cúm và cúm phải nhập viện tương ứng là 56% và 69%. Đặc biệt, ở người mắc các bệnh lý nền mạn tính, tiêm vắc xin cúm làm giảm tần suất bệnh lý hô hấp cấp liên quan đến cúm  ở người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 76,3%, giảm 70% biến cố tim mạch trên bệnh nhân có bệnh mạch vành cấp, giảm 50% tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường nhập viện và tử vong, tiêm ngừa vắc xin cúm ở năm đầu tiên so với năm trước không tiêm giảm 55% nguy cơ nhồi máu não… Chi phí tiêm chủng vắc xin phòng bệnh thấp hơn nhiều so với chi phí điều trị lâu dài khi mắc bệnh.

Người lớn tuổi là nhóm tuổi cần được chăm sóc đặc biệt. Do vậy, ngoài bảo đảm chế độ dinh dưỡng, tập thể dục, vệ sinh và môi trường tốt thì cần phải tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh, giúp tạo nên “lá chắn” để bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.