Multimedia Đọc Báo in

TỪ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4 (KHÓA XI) VỀ “MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH XÂY DỰNG ĐẢNG HIỆN NAY”: Quan điểm của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn về công tác xây dựng Đảng

08:25, 12/05/2012

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” hiện đang được dư luận rất quan tâm. Bởi trong Đảng đã xuất hiện một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa về đạo đức, lối sống; đội ngũ cán bộ đông nhưng chất lượng chưa cao; vai trò của người đứng đầu ở một số nơi chưa ngang tầm với yêu cầu của Đảng. Vì vậy, Nghị quyết đang được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt mới trong công tác xây dựng Đảng.

Nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (7-4-1907 – 7-4-2012), xin nêu ra một vài quan điểm của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn về công tác xây dựng Đảng để chúng ta cùng suy ngẫm.

Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn với các dũng sĩ miền Nam năm 1972.     Ảnh: T.L
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn với các dũng sĩ miền Nam năm 1972. Ảnh: T.L

Có ý kiến cho rằng, thực tế hiện nay trong sinh hoạt chi bộ có nhiều hạn chế ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng như đúng không khen, xấu không chê, bàng quan chủ nghĩa; hình thức chủ nghĩa, thậm chí hành chính hóa, coi sinh hoạt Đảng chỉ là đến điểm danh; tồn tại sự không thống nhất giữa lời nói và việc làm, nên có nghị quyết hay nhưng đảng viên vẫn vi phạm; có tình trạng nghị quyết cấp dưới mâu thuẫn với cấp trên; nguyên tắc tập trung, dân chủ không thể hiện rõ… Lúc sinh thời, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng cho rằng, chi bộ có vị trí, vai trò lớn đối với năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Chi bộ là gốc của Đảng, là nơi tập thể đảng viên bàn bạc tổ chức thực hiện chính sách của Đảng; nơi lựa chọn, kết nạp, giáo dục, rèn luyện đảng viên, đào tạo cán bộ cho Đảng. “Toàn bộ sức chiến đấu của Đảng cuối cùng phải biểu hiện ở sức mạnh của chi bộ và đảng bộ cơ sở trong việc biến đường lối, chính sách của Đảng thành hành động của quần chúng …” (1). Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng là phải xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh. Kiên quyết đấu tranh chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, chuyên quyền- những bệnh dễ làm cho Đảng xa dân và mất sức chiến đấu. Để nâng cao sức chiến đấu của chi bộ thì “phải cải tiến phương thức hoạt động của chi bộ…, bảo đảm vận dụng và phát huy toàn bộ sức mạnh và khả năng hoạt động của các cơ quan chính quyền và chuyên môn cũng như đoàn thể quần chúng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể đúng đường lối, chính sách của Đảng” (2). Ngoài ra, chất lượng đội ngũ đảng viên hiện nay cũng đã và đang là vấn đề nổi cộm. Đảng viên đông nhưng chất không mạnh. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói rằng: năng lực lãnh đạo của Đảng, sức chiến đấu của Đảng phụ thuộc vào chất lượng đảng viên. Đối với đảng viên, sự giác ngộ về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa là phẩm chất hàng đầu. Phẩm chất đó được biểu hiện cụ thể, trực tiếp hằng ngày ở vai trò tiên phong. Đảng viên phải tiêu biểu cho con người mới, gương mẫu trong lao động, công tác, lối sống. Đảng viên cần gần gũi, thương yêu, tin tưởng, tôn trọng, chăm lo đời sống nhân dân và tự mình làm gương rồi lôi cuốn quần chúng làm theo. Chất lượng đảng viên gắn liền với năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. “Việc phát triển đảng phải coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, … ngăn ngừa các phần tử cơ hội, đầu cơ trục lợi tìm cách chui vào Đảng. Việc thường xuyên phát triển Đảng, thu hút những người ưu tú nảy nở trong phong trào quần chúng nhất thiết phải đi đôi với việc kịp thời đưa ra khỏi Đảng những phần tử thoái hóa, biến chất, một hiện tượng dễ xảy ra trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền” (3).

Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua đã xác định rất cụ thể: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng… Hiện tượng đó làm cho ta nhớ lại những lời dạy của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khi ông cho rằng nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng cầm quyền ngày càng khó khăn, rộng lớn và nặng nề. Đảng cần có một đội ngũ cán bộ có chất lượng tốt và có số lượng không những đủ cho nhu cầu trước mắt mà cả lâu dài. Việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung cán bộ mới, trẻ là yêu cầu cấp bách để nâng cao chất lượng đội ngũ hiện có. Cố Tổng Bí thư chỉ rõ: “Quy luật phát triển của cách mạng cũng như của Đảng đòi hỏi phải kết hợp đúng đắn cán bộ đã từng chiến đấu lâu năm với cán bộ trẻ… Đảng ta cần chăm lo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lâu năm, đồng thời phải rất quan tâm bồi dưỡng, đào tạo và mạnh dạn đề bạt thêm nhiều cán bộ trẻ có phẩm chất cách mạng cao, có năng lực dồi dào, có sức vươn lên mạnh mẽ, xuất hiện trong các phong trào cách mạng”. Tuy nhiên, cố Tổng Bí thư cũng lưu ý rằng: “Nói làm trẻ đội ngũ cán bộ không phải chỉ nói đến việc đưa thêm những lực lượng trẻ vào các cấp lãnh đạo, mà còn có ý nghĩa là phải làm trẻ lại, đổi mới lại cách suy nghĩ, cách làm ăn của một số cán bộ đã quen suy nghĩ và làm việc theo nếp cũ không còn thích hợp… Trẻ về con người, trẻ về nếp suy nghĩ, về cách làm ăn, đó là những yêu cầu cấp bách của công tác xây dựng Đảng” (Lê Duẩn : Thế nào là một chi bộ tốt, đảng bộ tốt ở nông thôn hiện nay-NXB Sự Thật-HN, 1997). Đồng thời, cố Tổng Bí thư còn nhắc đến những nguyên tắc trong công tác cán bộ. Mà một nguyên tắc cơ bản phải được chấp hành nghiêm túc là công tác cán bộ phải được tiến hành dưới sự chỉ đạo tập trung của Đảng. Các cấp ủy đảng cần trực tiếp xem xét và tập thể quyết định việc lựa chọn, đánh giá, cất nhắc, thay đổi những cán bộ giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: “Quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến cán bộ là cấp ủy, chứ không phải là tổ chức chuyên môn. Điều cần nhấn mạnh là trong việc quyết định cán bộ, nhất quyết phải thông qua một tổ chức tập thể, cá nhân quyết định thì dễ lệch lạc và có thể dẫn tới những hậu quả không tốt mà ngay bây giờ khó lường hết được” (4)…

Thêm một lần nữa, chúng ta có thể khẳng định lại rằng, công tác xây dựng Đảng luôn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Trước kia đã như vậy, hiện nay đang như vậy, và sau này cũng sẽ vẫn như vậy. Vì thế, trong dịp triển khai và thực hiện Nghị quyết TW 4 lần này, thiết nghĩ việc nhắc lại những quan điểm của cố Tổng Bí thư về công tác xây dựng Đảng là điều cần thiết. Bởi đó là vấn đề có ý nghĩa quan trọng để góp phần giải quyết Những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Đây cũng là sợi tơ lòng tưởng nhớ về người học trò xuất sắc của Bác Hồ vĩ đại, “Nhành mai đỏ” bên dòng Thạch Hãn-cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

 Nguyễn Viết Chính

TLTK : (1), (2), (3), (4) trích trong: Lê Duẩn : Mấy vấn đề về Đảng cầm quyền- NXB ST, HN 1981. 

 


Ý kiến bạn đọc