Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: Quốc hội thảo luận về sửa đổi Hiến pháp năm1992

05:38, 05/06/2013

* Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng

Trong 2 ngày 3 và 4-6, các đại biểu Quốc hội (QH) đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Hầu hết ý kiến của các đại biểu QH đồng ý giữ tên nước như hiện hành. Theo các đại biểu, nhất trí giữ nguyên tên nước, vì đã sử dụng ổn định suốt mấy chục năm qua. Thay đổi trong bối cảnh hiện nay sẽ phát sinh những hệ lụy cũng như tốn kém không cần thiết. Tên nước của chúng ta hiện nay là sự lựa chọn của thời khắc lịch sử sau khi kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Hơn 37 năm qua, tên nước vẫn bảo đảm theo đường hướng của Đảng, bảo đảm chế độ dân chủ của nhân dân.

Vấn đề chính quyền địa phương nhận được sự quan tâm của hầu hết các đại biểu QH và ý kiến vẫn còn khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo đưa ra 2 phương án về chính quyền địa phương. Nhưng với phương án 1, tuy đổi tên thành chính quyền địa phương nhưng không chỉ rõ chính quyền địa phương là ai, rất không đầy đủ, nội dung sơ sài. Vì thế chỉ có thể chọn phương án 2, nhưng phương án 2 thực chất là giữ nguyên như hiện nay.

Một số đại biểu cho rằng, chính quyền địa phương là vấn đề nhân dân rất quan tâm. Chúng ta thí điểm 5 năm không có HĐND quận huyện phường nhưng chưa có tổng kết, chứng tỏ vấn đề rất phức tạp, nhân dân ở những nơi đó cũng băn khoăn. Nhiều ý kiến tán thành giữ nguyên như Hiến pháp hiện hành, ở đâu có cơ quan hành chính ở đó có cơ quan đại diện giám sát. Nếu bỏ HĐND quận huyện, ai là người đại diện cho nhân dân, ai giám sát cơ quan hành chính quận huyện. Nếu do HĐND tỉnh làm thay, lại phi thực tế. Về cả mặt thực tế và lý luận hiện nay đều chưa thể giải quyết điều này.

Đa số ý kiến ĐBQH tán thành việc giữ Điều 4 như trong dự thảo sửa đổi để khẳng định tính tất yếu, khách quan vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một số đại biểu cho rằng Điều 4 khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là hợp lòng dân. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, xã hội, với các nhiệm vụ lịch sử.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị làm rõ thêm nội dung của Điều 4. Cụ thể, bổ sung một ý vào Điểm 2 đó là “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và trước pháp luật về quyết định của mình”. “Sở dĩ phải bổ sung nội dung “Đảng chịu trách nhiệm trước pháp luật” là vì trong những năm qua bên cạnh những thành tựu to lớn mà nhân dân ta đạt được trên tất cả các lĩnh vực do sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng thì cử tri, nhân dân cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn về những thiếu sót, khuyết điểm trong sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Trên thực tiễn Nghị quyết của Đảng có hiệu lực và vị thế cao nhất đối với nhà nước và xã hội, cán bộ đảng viên và nhân dân ai cũng phải chấp hành. Nhưng nếu chủ trương, nghị quyết đó có thiếu sót, khuyết điểm dẫn đến thiệt hại cho đất nước, làm hao tổn đến tiền của nhân dân thì chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm đối với chủ thể ban hành trước pháp luật. Như vậy, nếu chỉ quy trách nhiệm trước nhân dân mà không chịu trách nhiệm trước pháp luật thì rất không cụ thể. Đảng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật để thể hiện trách nhiệm của Đảng trước những quyết định của mình, đồng thời làm cơ sở để nhân dân giám sát.

                                                                         Q.A (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.