Multimedia Đọc Báo in

UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

09:50, 23/12/2014

°Cử tri huyện Ea Súp kiến nghị tỉnh xem xét xử lý tình trạng phá rừng làm nương rẫy xảy ra nghiêm trọng trên địa bàn huyện nhưng việc xử lý đối với các đối tượng này của chính quyền, các ngành bị buông lỏng.

- UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với UBND huyện Ea Súp triển khai nhiều biện pháp thực hiện Kế hoạch số 5991/KH-UBND, ngày 17-11-2011 của UBND tỉnh nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 1685/CT-TTg, ngày 27-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ. Đồng thời, UBND huyện Ea Súp đã xây dựng phương án thí điểm thu hồi đất bị lấn chiếm sử dụng trái phép tại tiểu khu 296 (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp  Chư Ma Lanh), thành lập Ban chỉ đạo vận động, giải tỏa thu hồi đất bị lấn chiếm sử dụng trái phép.

Trong 10 tháng đầu năm 2014, các cơ quan chức năng huyện Ea Súp đã kiểm tra và phát hiện tổng cộng 266 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó có nhiều vụ phá rừng trái pháp luật. Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Ea Súp thu hồi 115 ha rừng bị phá trái pháp luật, phá 20 lán trại xây dựng trái phép; kiểm tra, rà soát 4 dự án trồng rừng, trồng cao su và nông lâm nghiệp, phát hiện các đối tượng phá trái phép 79,31 ha rừng; hiện nay Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp đã khởi tố vụ án, trưng cầu giám định thiệt hại và đã chuyển hồ sơ cho cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, UBND huyện Ea Súp đã phối hợp với Thanh tra tỉnh kiểm tra 2 dự án có dấu hiệu mua bán để làm dự án không đúng mục đích được phê duyệt, đề xuất xử lý theo đúng quy định.

°Cử tri huyện Ea Súp tiếp tục kiến nghị tỉnh đầu tư, nâng cấp Tỉnh lộ 1 đoạn từ cầu sắt vào xã Ea Rôk, Ia J’lơi; đường từ xã Ea Rôk đi Ia T’môt; đường trung tâm thị trấn hiện nay bị hư hỏng nặng.

- Kế hoạch vốn năm 2014 và 2015 từ nguồn ngân sách tỉnh và ngân sách Trung ương hỗ trợ phải tập trung thanh toán nợ theo Chỉ thị số 27/CT-TTg, ngày 10-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, đề nghị UBND huyện Ea Súp rà soát, tổng hợp danh mục các dự án trên theo Hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của UBND tỉnh (Công văn số 6674/HD-UBND, ngày 15-9-2014) gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch vốn đầu tư công.

°Quốc lộ 29 đoạn qua xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) đã xuống cấp nghiêm trọng. Đề nghị tỉnh xem xét cho sửa chữa để nhân dân đi lại thuận tiện.

- Quốc lộ 29 đoạn qua xã Ea Hồ trước đây là Tỉnh lộ 14 (từ Buôn Hồ đi Tam Giang) được đầu tư xây dựng từ những năm 1982 – 1984 nên việc xuống cấp của quốc lộ 29 theo phản ánh của cử tri huyện Krông Năng là đúng. Hiện nay đoạn tuyến này đang được sửa chữa bằng nguồn vốn bảo trì đường bộ Trung ương trong kế hoạch năm 2014 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho nhân dân đi lại được thuận tiện. Tuy nhiên do kế hoạch vốn sửa chữa quốc lộ năm 2014 của Trung ương có phần khó khăn nên việc sửa chữa Quốc lộ 29 (đoạn qua xã Ea Hồ) mới chỉ đáp ứng phần nào so với nhu cầu thực tế. Đơn vị chức năng của tỉnh đang tiếp tục đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa phần khối lượng hư hỏng còn lại vào kế hoạch sửa chữa năm 2015 và đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự kiến việc triển khai thi công sửa chữa sẽ thực hiện vào quý I năm 2015.

°Cử tri kiến nghị tỉnh quan tâm, đầu tư kinh phí bảo tồn nhạc cụ truyền thống dân tộc nói chung, cồng chiêng nói riêng tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số.

- Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều quan tâm đến công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Cụ thể, ngày 13-7-2007, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10/2007/NQ-HĐND về bảo tồn phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Dak Lak, giai đoạn 2007 – 2010 và ngày 6-7-2012 ban hành Nghị quyết số 63/2012/NQ-HĐND về bảo tồn, phát huy di sản – không gian văn hóa cồng chiêng Dak Lak giai đoạn 2012 – 2015 thay thế Nghị quyết 10/2007/NQ-HĐND đã hết hiệu lực. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện bảo tồn, phát huy di sản – không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Dak Lak, trong đó, hàng năm tỉnh có bố trí kinh phí và giao UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Nghị quyết, Kế hoạch nói trên và tình hình thực tế để xây dựng kế hoạch, chương trình, triển khai thực hiện tại địa phương của mình. Bên cạnh đó, trong năm 2010, cơ quan chức năng của tỉnh là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã cấp cho các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ của huyện Krông Năng 5 bộ chiêng. Năm 2013, tỉnh đã tuyển chọn 15 đội chiêng xuất sắc của 15 buôn đồng bào dân tộc tại chỗ (mỗi huyện 01 buôn), trong đó, huyện Krông Năng có đội chiêng buôn M’ngoan, xã Ea Hồ được nhận hỗ trợ trực tiếp 10 triệu đồng. Ngoài ra, hơn 1.000 tờ áp phích, tờ gấp tuyên truyền bảo tồn, phát huy di sản – không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Dak Lak cũng đã được in ấn, tuyên truyền.

°Cử tri huyện Krông Pak kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng sớm xem xét, đầu tư nâng cấp, sửa chữa tuyến đường từ huyện Krông Pak đi huyện Krông Bông và tuyến đường từ xã Ea Kly đi xã Vụ Bổn.

- Kế hoạch vốn năm 2014 và 2015 từ nguồn ngân sách tỉnh và ngân sách Trung ương hỗ trợ phải tập trung thanh toán nợ theo Chỉ thị số 27/CT-TTg, ngày 10-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, đề nghị UBND huyện Krông Pak rà soát, tổng hợp danh mục các dự án trên theo Hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của UBND tỉnh (Công văn số 6674/HD-UBND, ngày 15-9-2014) gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch vốn đầu tư công.

°Cử tri kiến nghị tỉnh cấp kinh phí và cho sửa chữa tuyến  Tỉnh lộ 2, đoạn ngã 3 Duy Hòa, TP. Buôn Ma Thuột đến xã Dray Sáp, huyện Krông Ana.

- Tỉnh lộ 2 (từ Ngã ba Duy Hòa đến Krông Ana) có chiều dài 33 km. Ngày 9-6-2010, UBND tỉnh đã có Công văn số 2828/UBND-CN yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải bàn giao TP. Buôn Ma Thuột quản lý 6 km (từ ngã 3 Duy Hòa, TP. Buôn Ma Thuột đến xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) để đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị. Hiện nay, dự án đã lập xong nhưng chưa tìm được nguồn vốn để bố trí triển khai, trong khi đó đoạn tuyến này đang bị xuống cấp nghiêm trọng; để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại và bảo đảm an toàn giao thông, UBND tỉnh yêu cầu UBND TP. Buôn Ma Thuột bố trí kinh phí để sửa chữa đoạn tuyến tỉnh lộ 2 từ ngã 3 Duy Hòa, TP. Buôn Ma Thuột đến xã Dray Sáp, huyện Krông Ana.

 (Còn nữa)


Ý kiến bạn đọc