Multimedia Đọc Báo in

Nguyễn Văn Linh - người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo

08:55, 01/07/2015
Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc (còn gọi là Mười Cúc), sinh ngày 1 tháng 7 năm 1915, trong một gia đình công chức ở xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Tiếp thu truyền thống yêu nước của dân tộc, ngay từ lúc còn trẻ tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tham gia các hoạt động yêu nước và sớm giác ngộ cách mạng.

Tháng 12-1986, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng - đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1987, đồng chí kiêm chức Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương. Tháng 6-1987, đồng chí được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VIII. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (tháng 6-1991) và lần thứ VIII (tháng 6-1996) của Đảng, đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh mất ngày 27-4-1998 tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 83 tuổi.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh thăm và làm việc tại Nhà máy công cụ số 1, ngày 3-3-1987.  Ảnh: T.L
Đồng chí Nguyễn Văn Linh thăm và làm việc tại Nhà máy công cụ số 1, ngày 3-3-1987. Ảnh: T.L

Ngay từ khi mới 15 tuổi đồng chí đã bị thực dân Pháp kết án tù chung thân, hai lần bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Hơn 10 năm bị giam cầm tại địa ngục trần gian – Côn Đảo, kẻ thù đã dùng mọi cực hình, đòn roi tra tấn, nhưng đồng chí vẫn nêu cao khí phách anh hùng, kiên cường, bất khuất, giữ vững khí tiết cách mạng. Đồng chí là một trong những người đề xuất thực hiện hợp nhất hai tổ chức Việt Minh: Bộ Việt Minh Sài Gòn và Ủy ban Việt Minh Chợ Lớn, lập ra Thành ủy lâm thời thành phố Sài Gòn – Gia Định. Trong thời kỳ gay go nhất và cũng oanh liệt nhất của cách mạng miền Nam, kẻ thù dùng luật 10/59 dìm cách mạng miền Nam trong biển máu và thời kỳ hàng triệu quân Mỹ - ngụy càn quét tìm diệt lực lượng cách mạng, đồng chí không lúc nào xa rời quần chúng, luôn luôn gắn bó với phong trào cách mạng của miền Nam để xây dựng Đảng. Với trách nhiệm Phó Bí thư, Bí thư Trung ương Cục, đồng chí đã chủ trì và cùng các đồng chí Trung ương Cục lãnh đạo và phát động quần chúng nổi dậy phá ách kìm kẹp của địch, xây dựng căn cứ địa cách mạng, phát triển chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng quân giải phóng, đánh bại các chiến lược chiến tranh cục bộ, chiến tranh đặc biệt và Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), giành toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975).

Đất nước thống nhất, với cương vị là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí đã trăn trở, tìm tòi các giải pháp nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng thành phố theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện của thành phố. Đồng chí luôn khuyến khích, cổ vũ những người dám tìm tòi, dám “xé rào”, cổ vũ các đồng chí của mình dũng cảm, sáng tạo, thay đổi cách nghĩ, cách làm khi cơ chế, chính sách ở cấp vĩ mô chưa thay đổi kịp.

Những tìm tòi thử nghiệm, những mô hình mới ở thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trong cả nước đã góp phần quý báu giúp Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị quyết định xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện cơ chế mới, mở ra công cuộc đổi mới - bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử cho cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã đề xướng và kiên trì thực hiện đổi mới có nguyên tắc - đổi mới nhưng luôn luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện nghiêm túc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Trong bối cảnh quốc tế phức tạp, công cuộc cải tổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu phạm sai lầm về chiến lược; đất nước ta bị chủ nghĩa đế quốc bao vây, cấm vận, cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra nghiêm trọng, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng vững vàng, chủ động, sáng tạo lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, vượt qua thử thách, kiên trì đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với những bước đi và cách làm phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Đó là: Tập trung đổi mới kinh tế, đồng thời từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, kiên quyết không chấp nhận đa nguyên, đa đảng; coi trọng phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, nét nổi bật trong phong cách của đồng chí Nguyễn Văn Linh là tác phong tỉ mỉ, cụ thể, dân chủ. Đồng chí thường xuyên đi xuống cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, khơi gợi một cách dân chủ để mọi người phát biểu, tranh luận, đề xuất; lắng nghe ý kiến của nhân dân, nhất là những ý kiến trái ngược, để suy nghĩ, cân nhắc, giải quyết phù hợp và có hiệu quả nhất; mỗi quyết sách của đồng chí đều là kết quả tìm tòi trên cơ sở tập hợp trí tuệ của quần chúng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh rất chú trọng công tác tổng kết thực tiễn. Mỗi khi hoạch định, ban hành đường lối, chính sách mới, đồng chí đều xuất phát từ thực tiễn, từ tình hình cụ thể của đất nước. Trước những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, đồng chí thường lấy thực tiễn để thuyết phục, kết luận. Đồng chí thường xuyên nhắc nhở cấp ủy đảng và cán bộ các cấp phải đi sâu, đi sát cuộc sống của nhân dân, tổng kết thực tiễn để hoàn chỉnh chủ trương, đường lối đã đề ra. Đường lối đổi mới của Đảng ta hình thành và phát triển từ tổng kết thực tiễn sáng tạo của nhân dân, trong đó có cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Trên trọng trách Tổng Bí thư khóa VI, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn khéo chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu rất quan trọng, tạo tiền đề cơ bản để đất nước phát triển nhanh trong những giai đoạn tiếp theo.

Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn luôn nêu cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tận trung với nước, tận hiếu với dân, sống trung thực, thẳng thắn, chan hòa, gần gũi mọi người, ghét thói phô trương, hình thức. Tại Đại hội lần thứ VII của Đảng (tháng 6-1991), mặc dù còn đủ sức khỏe để tái cử, đồng chí vẫn xin phép toàn Đảng, toàn dân thôi giữ chức Tổng Bí thư. Trên cương vị Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí tiếp tục đem hết sức lực, trí tuệ của mình để tham gia nhiều ý kiến quan trọng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thực hiện và hoàn thiện đường lối đổi mới và những vấn đề lớn của đất nước.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh gắn liền với những chặng đường cam go, gian khổ, hào hùng của Đảng và dân tộc. Dù ở trong hoàn cảnh nào, với nhiệm vụ gì, đồng chí Nguyễn Văn Linh đều hoàn thành xuất sắc và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Đồng chí được Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Vàng quốc gia; Nhà nước Cuba tặng thưởng Huân chương Hôxê Mácti; Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Ăngco.

(Theo tài liệu Ban Tuyên giáo Trung ương)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.