Multimedia Đọc Báo in

Bàn giao hồ sơ ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021

23:02, 15/03/2016

Sáng 15-3, Ủy ban Bầu cử tỉnh tổ chức Lễ bàn giao danh sách, hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 cho Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh; đồng thời tổ chức phiên họp thứ 3 của Ủy ban Bầu cử tỉnh. Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Y Biêr Niê  chủ trì phiên họp.

Bàn giao
Bàn giao hồ sơ ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.

Tại Lễ bàn giao, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã chuyển giao trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để đưa vào danh sách hiệp thương. Cụ thể, đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV gồm 14 bộ hồ sơ của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV (trong đó 13 người được giới thiệu ứng cử và 1 người tự ứng cử); đối với người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 gồm 160 bộ hồ sơ.

Sau khi tiến hành Lễ bàn giao, Ủy ban Bầu cử tỉnh tổ chức phiên họp thứ 3. Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả tham mưu của Sở Nội vụ và kế hoạch hoạt động của các tiểu ban: Tiểu ban Thông tin – Tuyên truyền, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại tố cáo, Tiểu ban An ninh quốc phòng, Tiểu ban Vật chất. Theo đó, tính đến hết ngày 13-3, toàn tỉnh đã thành lập 3 ban bầu cử đại biểu Quốc hội, 23 ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, 169 ban bầu cử đại biểu HĐND huyện và 1.601 ban bầu cử đại biểu HĐND xã; dự kiến toàn tỉnh sẽ thành lập 1.840 tổ bầu cử, so với dự kiến ban đầu là 1.926 tổ (giảm 86 tổ).

Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Y Biêr Niê chủ trì phiên họp.
Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Y Biêr Niê phát biểu tại phiên họp.

Sở Nội vụ phối hợp với các tiểu ban tham mưu Ủy ban Bầu cử tỉnh ban hành 2 kế hoạch gồm: Kế hoạch số 13/KH-UBBC về công tác thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và Kế hoạch số 16/KH-UBBC về giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử; đồng thời thông báo số điện thoại đường dây nóng của Tiểu ban Giải quyết khiếu nại tố cáo để các cơ quan, đơn vị, tổ chức và công dân tiện liên lạc, phản ánh các vấn đề liên quan đến công tác bầu cử. Sở cũng đã tham mưu trình UBND tỉnh màu sắc phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; tiến hành rà soát con dấu Ban Bầu cử, tổ bầu cử từ các đơn vị để chuẩn bị khắc dấu cho các tổ chức bầu cử theo quy định; biên tập các loại tài liệu phục vụ công tác bầu cử để chuẩn bị in cấp phát cho cơ sở kịp thời theo quy định. Trong thời gian qua các tiểu ban cũng đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao: Đã nhận được 2 đơn tố cáo, 4 đơn kiến nghị phản ánh; tiến hành tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện công tác bầu cử tại các đơn vị, tính đến ngày 12-3 đã có 23 đơn vị lập dự toán với tổng kinh phí dự toán gần 53,7 tỷ đồng (còn huyện Krông Ana và Buôn Đôn chưa có báo cáo)...

Đại biểu tham dự phát biểu đóng góp ý kiến tại phiên họp.
Đại biểu tham dự phát biểu đóng góp ý kiến tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Y Biêr Niê yêu cầu Sở Nội vụ phối hợp với tổ chuyên viên và các tiểu ban của Ủy ban Bầu cử tỉnh tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, công tác bầu cử theo đúng tiến độ; xây dựng kế hoạch giám sát, kiểm tra và thành lập các đoàn kiểm tra giám sát bầu cử của Ủy ban Bầu cử tỉnh. Trên cơ sở sự phân công của Ủy ban Bầu cử tỉnh, từng thành viên cần bám sát địa bàn phân công của mình; các tiểu ban liên quan thường xuyên duy trì việc trực điện thoại đường dây nóng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử; khẩn trương tiến hành việc in danh sách cử tri, thẻ cử tri để cấp cho các đơn vị triển khai các bước công việc theo luật định...

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.