Multimedia Đọc Báo in

Bước đột phá trong công tác phát triển đảng viên ở Đảng bộ TX. Buôn Hồ

07:44, 19/09/2017

Với đặc thù địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (gồm 22 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm gần 30% dân số) và đông đồng bào có đạo (chiếm 52,59% dân số, gồm 4 tôn giáo chính: Công giáo, Phật giáo, Cao Đài và Tin lành), TX. Buôn Hồ gặp không ít khó khăn trong công tác phát triển Đảng, nhất là ở những vùng đặc thù.

Trước năm 2012, Đảng bộ TX. Buôn Hồ có 49 tổ chức cơ sở (TCCS) đảng trực thuộc, với 2.112 đảng viên; 142/149 thôn, buôn, tổ dân phố có đảng viên (đạt tỷ lệ 95,3%); 110/149 thôn, buôn, tổ dân phố có chi bộ đảng (đạt tỷ lệ 73,83%). Có 7 thôn, buôn, tổ dân phố “trắng” đảng viên, chủ yếu ở vùng dân tộc thiểu số hoặc đông đồng bào có đạo như: thôn Tây Hà 1, 2, 3 (xã Cư Bao); tổ dân phố Đạt Hiếu 5 (phường Đạt Hiếu); tổ dân phố 1, 4, 5 (phường Bình Tân). Đồng thời có 39 thôn, buôn, tổ dân phố chưa có chi bộ đảng phải sinh hoạt ghép với các chi bộ khác và 4 trường học công lập chưa có chi bộ đảng.

Một góc TX. Buôn Hồ. Ảnh: N. Gia
Một góc TX. Buôn Hồ. Ảnh: N. Gia

Trước thực trạng đó, Thị ủy Buôn Hồ đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 1-12-2011 về xây dựng chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố và phát triển đảng viên trong hệ thống chính trị xã, phường. Trong đó, chú trọng chăm lo tạo nguồn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để kết nạp vào Đảng, nhất là ở thôn, buôn, tổ dân phố chưa có đảng viên là người tại chỗ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo, trường học và trạm y tế bằng nhiều biện pháp như: nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên tại các khu vực đặc thù; phát hiện nguồn quần chúng ưu tú từ các phong trào hoạt động ở cơ sở; quy hoạch, bố trí cán bộ, đảng viên người tại chỗ vào hệ thống chính trị cơ sở hoặc ban, ngành của xã, phường; tạo điều kiện trong việc theo dõi, giúp đỡ, xác minh lý lịch… đối với những quần chúng ưu tú ở các vùng đặc thù.

Với những biện pháp quyết liệt trong thực hiện Nghị quyết 03 đã tạo đột phá trong xây dựng hệ thống chính trị ở TX. Buôn Hồ. Chỉ sau một năm triển khai, đến cuối năm 2012, Đảng bộ thị xã đã có 149/149 thôn, buôn, tổ dân phố thành lập được chi bộ và một năm sau đó, 100% chi bộ đã có đảng viên là người tại chỗ; công tác phát triển đảng viên hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao (từ năm 2012-2016, phát triển được 894 đảng viên). Đến nay, Đảng bộ thị xã đã có 35 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc (gồm 21 đảng bộ và 14 chi bộ) với 3.174 đảng viên; trong đó có 605 đảng viên là người dân tộc thiểu số và 119 đảng viên là người có đạo. Trong 21 đảng bộ cơ sở có 307 chi bộ trực thuộc; trong đó có 149/149 chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố có đảng viên là người tại chỗ; 100% trường học công lập có chi bộ đảng; 10/12 trạm y tế xã, phường đã có chi bộ. Hoạt động của các chi bộ cơ sở đều bám sát nhiệm vụ chính trị địa phương; phát huy tốt vai trò nòng cốt, hạt nhân trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh ở địa phương.

Đảng bộ TX. Buôn Hồ đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020, có 100% chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố có đủ đảng viên là người tại chỗ; 100% trạm y tế xã, phường có chi bộ đảng; 100% cán bộ chủ chốt, trưởng ban ngành, đoàn thể xã, phường là đảng viên…

Đơn cử như ở phường Thống Nhất, địa bàn đặc thù của TX. Buôn Hồ với trên 93% dân số là người có đạo. Từ chỗ các chi bộ tổ dân phố và buôn chủ yếu sinh hoạt ghép, 70% cán bộ, công chức chưa phải là đảng viên, trong đó cả các chức danh lãnh đạo chủ chốt khiến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thiếu đồng bộ về mọi mặt, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Thị ủy, đến nay Đảng bộ phường Thống Nhất đã có 17 chi bộ trực thuộc với tổng số 139 đảng viên (15 đảng viên là người có đạo); 100% thôn, buôn, tổ dân phố có chi bộ và đảng viên, trong đó có 3 chi bộ có 3 đảng viên là người tại chỗ trở lên, 9/10 bí thư chi bộ buôn, tổ dân phố là người tại chỗ. Hệ thống chính trị từ phường đến buôn, tổ dân phố đã đi vào nền nếp và hoạt động có hiệu quả, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay, 100% buôn, tổ dân phố của phường đều đạt danh hiệu văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt hơn 95%; 100% hệ thống đường giao thông đã được cứng hóa; đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao.

Đường bê tông khang trang do Nhà nước và nhân dân cùng làm ở tổ dân phố Hợp Thành 3, phường Thống Nhất (TX. Buôn Hồ).
Đường bê tông khang trang do Nhà nước và nhân dân cùng làm ở tổ dân phố Hợp Thành 3, phường Thống Nhất (TX. Buôn Hồ).

Dù được đánh giá là tạo bước đột phá trong công tác xây dựng Đảng ở địa phương song việc thực hiện Nghị quyết 03 của Thị ủy Buôn Hồ vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện vẫn còn 34 chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố chưa đủ đảng viên là người tại chỗ; tỷ lệ chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố có 9 đảng viên trở lên còn thấp, chỉ đạt 30,2%. Công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên ở những vùng đặc thù rất khó, như Phó Bí thư Đảng ủy phường Thống Nhất Phạm Huy Thắng thừa nhận: Kết nạp đảng viên hằng năm đều đạt chỉ tiêu trên giao nhưng chủ yếu là cán bộ phường, giáo viên, lực lượng quân sự - công an; đảng viên là người dân tộc thiểu số, người có đạo còn ít.

Đồng chí Phạm Ngọc Tiên, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy Buôn Hồ cho biết: Trong thời gian tới, Đảng bộ thị xã tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Quy định 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tạo nguồn, phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, những chi bộ còn ít đảng viên là người tại chỗ; chỉ đạo đảng ủy các xã, phường, chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp sinh hoạt, làm tốt công tác quy hoạch cán bộ…

Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.