Multimedia Đọc Báo in

"Nói dân nghe, làm dân tin"

05:36, 04/09/2017

Gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, nói dân nghe, làm dân tin... – những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn là “cầu nối” tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân...

Nặng lòng với buôn làng

Ông Y Siu Byă (còn gọi là Ama Minh) ở buôn M’Duk (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) từng giữ các chức vụ Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chủ tịch Mặt trận, đại biểu HĐND phường Ea Tam nhiều khóa; đến năm 2005 được tín nhiệm bầu làm Trưởng buôn M’Duk và Chủ tịch Hội đồng già làng phường... Ở cương vị công tác nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, làm tròn vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Không kể cuộc họp các nhóm liên gia định kỳ mỗi tháng 1 lần, hễ trong buôn có việc cần ông lại “đến từng ngõ, gõ từng nhà” vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, triển khai công việc của phường, của buôn. Địa bàn buôn M’Duk rộng, dân cư đông (hơn 900 hộ, gần 3.400 khẩu), thành phần dân tộc, tôn giáo đa dạng. Là trưởng buôn, ông xác định khối đoàn kết là sức mạnh để bà con ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Ama Minh chia sẻ: “Bà con buôn M’Duk luôn sống hòa đồng, ít có trường hợp xích mích, mâu thuẫn; an ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định; kinh tế phát triển, đời sống ngày càng được cải thiện...”.

Không nói về mình nhưng ai cũng thấy rõ, trong thành tích chung của địa phương có đóng góp quan trọng của trưởng buôn Ama Minh. Bằng sự quan tâm, ông gần gũi tìm hiểu hoàn cảnh của từng người, từng hộ; luôn động viên, chia sẻ khó khăn cũng như chung vui cùng với người dân trong buôn. Khi trong buôn có xảy ra xích mích, mâu thuẫn, nhờ uy tín và sự khuyên giải của Ama Minh, các vụ việc đều được nhanh chóng giải quyết ổn thỏa…

Ông Ama Minh (bìa phải) trò chuyện với người dân trong buôn.
Ông Ama Minh (bìa phải) trò chuyện với người dân trong buôn.

Là tấm gương làm kinh tế giỏi, ông vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đặc biệt thường xuyên hỗ trợ các hộ khó khăn với hình thức bán phân trả chậm, gợi ý cho nhiều người chuyển đổi từ làm nông nghiệp sang kinh doanh, dịch vụ hay ngành nghề khác phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của phường Ea Tam hiện nay. Tuyên truyền, vận động với phương châm “mưa dầm thấm lâu” cùng với sự hỗ trợ chân thành, thiết thực của ông, nhiều hộ khó khăn đã vươn lên thoát nghèo, đời sống ngày càng ổn định. Buôn M’Duk giờ chỉ còn 20 hộ nghèo theo chuẩn mới. “Mình làm vì trách nhiệm, mong cho buôn làng phát triển. Được bà con tin yêu thì mình càng phải phát huy hơn nữa trách nhiệm với cộng đồng...” Ama Minh chia sẻ.

Cái gì có lợi cho dân thì làm

“Cán bộ Mặt trận thì phải gần dân, sát dân...” là chia sẻ của ông Triệu Đức Toàn, Chủ tịch Ủy ban MTQVN xã, kiêm Bí thư Chi bộ thôn Sông Chò (xã Cư San, huyện M’Đrắk). Là cán bộ Mặt trận, ông Toàn thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với người dân, bám sát cơ sở để nắm bắt tư tưởng, tình cảm, lắng nghe kiến nghị để báo cáo, tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng và phối hợp với chính quyền kịp thời có giải pháp tháo gỡ.

Ông Toàn tâm sự: “Làm công tác Mặt trận phải kiên trì, khéo léo thì bà con mới nghe và làm theo. Muốn bà con nghe thì cán bộ phải gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, hoạt động; mọi khoản đóng góp của dân đều phải công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích; mọi việc phải xuất phát từ quyền lợi của nhân dân…”. Suy nghĩ đi đôi với việc làm nên ông Toàn luôn được bà con tin tưởng, nghe theo, các phong trào, hoạt động do Mặt trận phát động luôn được người dân đồng tình hưởng ứng và thu được kết quả cao, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Riêng với vai trò là Bí thư Chi bộ thôn Sông Chò, ông Toàn cùng với tập thể Chi ủy lãnh đạo, chỉ đạo người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, đồng lòng xây dựng thôn ngày càng giàu đẹp. Dưới sự lãnh đạo của ông và Chi ủy, Chi bộ thường xuyên có nghị quyết cụ thể, sát thực để lãnh đạo thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên. Dân cư sinh sống phân tán nên đảng viên cư trú ở khu vực nào phải có trách nhiệm sâu sát và nắm bắt kịp thời tình hình của từng khu vực đó, phải phát hiện vướng mắc nảy sinh để báo cáo Chi bộ giải quyết kịp thời. Chi bộ thường xuyên chỉ đạo Ban tự quản, các đoàn thể thôn tuyên truyền vận động người dân sống và làm việc đúng pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ hủ tục, tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới. Chỉ riêng xây dựng nông thôn mới, thời gian qua thôn Sông Chò đã vận động người dân hiến 4 ha đất, góp hơn 200 ngày công tu sửa đường giao thông nội thôn, liên thôn...

“Trăn trở lớn nhất của tôi là vận động nhân dân tích cực thi đua phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để giảm nghèo. Thời gian tới, Chi bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo đảng viên, nhất là đảng viên trẻ mạnh dạn áp dụng mô hình tốt, cách làm hay trong phát triển kinh tế... để người dân noi theo”, ông Toàn chia sẻ.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.