Multimedia Đọc Báo in

Báo chí tiếp tục đồng hành thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị địa phương (*)

08:33, 03/09/2019
LTS: Ngày 30-8, tại TP. Buôn Ma Thuột, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo nghiệp vụ "Giải pháp nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí khu vực Tây Nguyên và miền Trung". Đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đến dự và phát biểu chào mừng hội thảo, Báo Đắk Lắk xin đăng toàn văn bài phát biểu.

“Thưa các đồng chí đại biểu, các đồng chí lãnh đạo và cán bộ Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố về tham dự Hội thảo!

Trước tiên, thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, tôi chào mừng và chân thành cảm ơn lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cùng toàn thể các đồng chí đã chọn thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk làm địa điểm tổ chức Hội thảo nghiệp vụ báo chí khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào đúng dịp cả nước thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Chúc sức khỏe toàn thể các đồng chí và chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.

Thưa các đồng chí đại biểu!

Thưa toàn thể các đồng chí!

Đắk Lắk là tỉnh miền núi, nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh. Diện tích tự nhiên 13.125 km², có hơn 73 km đường biên giới với tỉnh Mundulkiri - Vương quốc Campuchia; dân số trên 1,9 triệu người với 47 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 33%. Toàn tỉnh có 13 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố, với 184 xã, phường, thị trấn, 2.478 thôn, buôn, tổ dân phố (trong đó có gần 600 buôn đồng bào dân tộc thiểu số); có 2 huyện biên giới, 4 xã biên giới giáp tỉnh Mundulkiri - Vương quốc Campuchia; số xã đặc biệt khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội còn cao. Hiện nay, kinh tế của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; kết cấu hạ tầng còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn  phát biểu chào mừng hội thảo.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn phát biểu chào mừng hội thảo.

Mặc dù tỉnh còn có những khó khăn nhưng với sự giúp đỡ của Trung ương, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở đoàn kết đã khắc phục khó khăn, tự lực tự cường, phát huy thế mạnh và các nguồn lực đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển, cuộc sống của nhân dân ngày càng được nâng cao.

8 tháng năm 2019, kinh tế của tỉnh tiếp tục có bước phát triển tốt: Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 340 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu đạt gần 50 triệu USD. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu, máy móc, nguyên liệu sản xuất và phân bón. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2019 đến nay đạt 4.324 tỷ đồng, bằng 62,5% kế hoạch của tỉnh. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh, thu hút được 24 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 11.246 tỷ đồng; có 13 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn hơn 131,5 triệu USD. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 14.935 tỷ đồng. Hoạt động doanh nghiệp và kinh tế tập thể đến nay có 7.936 doanh nghiệp và 761 chi nhánh của doanh nghiệp ngoài tỉnh đang hoạt động. Có 382 hợp tác xã đang hoạt động. Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đến nay có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 28,3% kế hoạch, trong đó, thành phố Buôn Ma Thuột đã hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng mang tầm quốc gia, quốc tế như: Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 và Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019; Hội thảo cấp quốc gia thực hiện Kết luận số 60-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên… Tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều đoàn ngoại giao nước ngoài cùng các nhà doanh nghiệp như: Indonesia, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Campuchia, Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc… Cùng với đó là các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta đến thăm và chủ trì những hội nghị quan trọng như: Đoàn của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng do đồng chí Trần Quốc Vượng dẫn đầu; đoàn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Mới đây nhất, tỉnh đón Đoàn của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đến thăm, tặng quà cho đồng bào bị ảnh hưởng mưa lũ tại địa bàn huyện Ea Súp…

Có thể nói, vị thế cũng như tầm ảnh hưởng của tỉnh Đắk Lắk những năm gần đây ngày càng được khẳng định, kể cả ở trong nước và đối với bạn bè quốc tế. Để đạt được những thành công ấy ngoài sự đoàn kết, cố gắng của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể của tỉnh là sự đóng góp không nhỏ của báo chí, truyền thông, những người làm báo trên địa bàn tỉnh, kể cả các báo Trung ương, báo ngành thường trú tại Tây Nguyên cùng với báo Đảng bộ tỉnh và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ thường xuyên của Hội Nhà báo Việt Nam trong việc bồi dưỡng, rèn luyện, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho hội viên, trong đó có 180 hội viên Hội Nhà báo đang làm việc tại Đắk Lắk.

Thưa toàn thể các đồng chí!

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế cơ bản nêu trên, Đắk Lắk là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (12,81%). Địa bàn của tỉnh rộng lớn, có đông đồng bào dân tộc... Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, đối tượng xấu thường lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và chống phá Đảng, Nhà nước ta...

Việc tổ chức Hội thảo cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần này tại thành phố Buôn Ma Thuột là minh chứng cho sự ưu ái, tình cảm và trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam để nâng cao chất lượng tuyên truyền, góp phần vào sự phát triển chung của khu vực và của tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tôi mong muốn rằng trong những năm tới, báo chí, truyền thông, những người làm báo trên địa bàn tỉnh, kể cả các báo Trung ương, báo ngành thường trú tại Tây Nguyên cùng với các nhà báo của tỉnh tiếp tục đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của tỉnh kịp thời phản ánh tình hình phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh; nêu gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến đến với độc giả cả nước; kịp thời phát hiện, phê phán, đấu tranh với những quan điểm, hành vi sai trái của các đối tượng xấu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh.

Cuối cùng, một lần nữa, thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, chúc các đồng chí đại biểu cùng toàn thể các đồng chí trong những ngày làm việc và lưu lại tại thành phố Buôn Ma Thuột, thật sự phấn khởi, ấn tượng về con người và phong cảnh của phố núi Tây Nguyên.

Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!”

(*) Tiêu đề do Báo Đắk Lắk đặt

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.