"Hiến kế xây dựng Đắk Lắk": Chủ trương đột phá để phát triển
Đắk Lắk có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế để trở thành thủ phủ của Tây Nguyên. Tuy nhiên, thời gian qua, việc khai thác những tiềm năng ấy vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.
Chính vì vậy, việc vận động hiến kế xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh được kỳ vọng là chủ trương đột phá, khai thác nguồn lực trí tuệ của nhân sĩ, trí thức góp phần xây dựng và phát triển quê hương...
Làm thực chất, tránh hình thức
Ngày 26-2-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch tổ chức cuộc vận động "Hiến kế xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh". Kế hoạch này được các nhân sĩ, trí thức, cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của tỉnh đón nhận và kỳ vọng đây là “làn gió mới” mang đến nhiều đổi thay cho Đắk Lắk.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường và Đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy đi khảo sát tại Khu Du lịch sinh thái Bản Đôn - Ánh Dương. Ảnh: Duy Tiến |
Đồng chí Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: “Việc mời người dân tham gia đóng góp ý kiến nhằm phát huy dân chủ, cầu thị, lắng nghe, chắt lọc các ý kiến, hiến kế của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là những giải pháp đổi mới, đột phá trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhằm xây dựng, phát triển Đắk Lắk nhanh, bền vững. Các hiến kế có giá trị sẽ được xem xét, bổ sung vào nghị quyết, tầm nhìn, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới".
Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Chí Quyết bày tỏ sự vui mừng trước những đổi mới trong phương cách lãnh đạo của Tỉnh ủy khi có những chủ trương đột phá trong thời gian qua. Ông cho rằng: “Hiến kế” là chủ trương đáng lẽ ra phải thực hiện từ lâu. Tuy có hơi muộn, nhưng đây là chủ trương nếu thực hiện tốt sẽ tạo động lực cho Đắk Lắk phát triển. Bản thân ông đặt niềm tin vào chủ trương này của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ trong thu hút nguồn lực trí tuệ của các giai tầng xã hội để giúp Đắk Lắk “cất cánh”. “Chỉ cần cuộc vận động được làm thực chất, tránh hình thức thì đội ngũ trí thức chắc chắn sẽ sẵn sàng dốc hết tâm sức vì sự phát triển của tỉnh nhà”, đồng chí Lê Chí Quyết kỳ vọng.
"Để có thể tạo ra những “sản phẩm” độc đáo, thú vị cho Đắk Lắk, tôi cho rằng chính quyền cần xây dựng chính sách phù hợp với thực tiễn, gần gũi và tạo được động lực cho những người tiên phong đổi mới sáng tạo. Địa phương cũng cần xây dựng tầm nhìn chung và cam kết đồng hành, phục vụ...”. Giám đốc điều hành Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột Phạm Thanh Tuấn
|
Cùng chung trăn trở này, TS. Vương Hữu Nhi, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh cũng nhận định: Đây là chủ trương tuy không mới, nhưng với Đắk Lắk là lần đầu tiên được tổ chức thành cuộc vận động sâu rộng trong toàn dân, quy mô và rất bài bản. Vấn đề là làm sao để cuộc vận động này thu hút được sự quan tâm không chỉ giới trí thức trong tỉnh mà còn hấp dẫn trí thức trong nước và quốc tế.
Lắng nghe và đồng hành
Theo anh Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc điều hành Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột, hiện nay, các quốc gia, vùng lãnh thổ và địa phương đang đổi mới từng giây phút để trở nên hấp dẫn hơn, thu hút các nhà đầu tư cũng như sử dụng tốt các nguồn lực, tài nguyên để phát triển. Và một trong các yếu tố giúp địa phương phát triển chính là việc huy động, kết nối được sức mạnh, tài năng và trí tuệ của cộng đồng dân cư. “Ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch tổ chức cuộc vận động hiến kế, tôi đã cùng với cộng sự đã xây dựng một bản kế hoạch với những giải pháp cụ thể trong Định vị và quảng bá hình ảnh tỉnh Đắk Lắk. Bản kế hoạch của chúng tôi sẽ trả lời cho câu hỏi làm gì để “Định vị và xây dựng hình ảnh tỉnh Đắk Lắk trong thời đại mới”, anh Phạm Thanh Tuấn hào hứng.
Trên quan điểm phải liên tục đổi mới, TS. Nguyễn Văn Lạng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, quan trọng nhất là biết lắng nghe ý kiến của nhiều phía, thậm chí trái chiều. Cuộc vận động phải tạo ra được diễn đàn, một kiểu của "Hội nghị Diên Hồng online" để lấy ý kiến của nhiều phía, đặc biệt là những người có tâm huyết với Đắk Lắk. Với lợi thế là không gian hoàn toàn mở, một diễn đàn trực tuyến “Làm gì cho Đắk Lắk phát triển?” chắc chắn sẽ thu hút đông đảo nhân sĩ trí thức tham gia. Tỉnh có thể tập hợp và phân loại các ý kiến về các lĩnh vực, chọn ra những tiêu điểm cho chiến lược phát triển của địa phương.
Nhà máy điện mặt trời Long Thành ở huyện Ea Súp. |
“Với những tiềm năng, nền tảng sẵn có, tỉnh nên tập trung cho phát triển nông nghiệp. Nhưng nông nghiệp phải ổn định, muốn vậy phải đưa công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy trình vào sản xuất; xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị cho nông sản, chế biến sâu, thương mại hóa các sản phẩm chủ lực, bảo đảm xây dựng cho được “bản đồ” các loại cây trồng. Bên cạnh đó, Đắk Lắk cũng cần xem xét lại cách tổ chức kêu gọi đầu tư của mình, vẫn còn rất “hành chính”, nhiều dự án gặp trở ngại, rào cản. Cho nên phải cải cách hành chính thật triệt để mới tạo ra "cú hích" phát triển. Song song đó là giải quyết bài toán về hạ tầng giao thông cũng chính là gỡ một trong những điểm nghẽn, nút thắt, mở ra nhiều cơ hội không chỉ kinh tế mà còn về nghiên cứu khoa học, giao lưu văn hóa, du lịch và thu hút chất xám, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển...” - TS. Nguyễn Văn Lạng hiến kế.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc