Bác Hồ trong lòng nhân dân Tây Nguyên
Nhân Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku ngày 19-4-1946, Bác gửi thư chúc mừng và căn dặn: "Hôm nay đồng bào khai hội, sum họp một nhà thật là vui vẻ. Tiếc vì đường sá xa xôi, tôi không đến dự được. Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào. Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Giarai hay Êđê, Xê đăng hay Bana và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…".
Bác Hồ với đồng bào các dân tộc thiểu số. Ảnh tư liệu |
Nhiều người con ưu tú của dân tộc Tây Nguyên ra miền Bắc công tác, học tập, đào tạo đã vinh dự được gặp Bác. Người đầu tiên là bác sĩ Y Ngông Niê Kđăm, đại biểu Quốc hội khóa I; người thứ hai được gặp Bác là ông Kso Ní, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Về sau có Anh hùng Núp, Thiếu tướng Y Blốk Êban, Kso Krơn, nghệ sĩ Y Bơm… Bác đã dành thời gian gặp gỡ từng người, ân cần thăm hỏi, động viên và dặn dò trước khi họ trở về miền Nam phục vụ cho quê hương. Bác nói: “Tây Nguyên là một bộ phận không thể tách rời của nước Việt Nam thống nhất. Một bàn tay hoàn chỉnh phải có cả năm ngón, một ngón tay đau thì cả bàn tay cũng đau”.
Nhiều người đã gan dạ làm thơ, sáng tác nhạc ca ngợi về Bác Hồ ngay trong những dịp tham gia chương trình văn nghệ do chính Mỹ - ngụy tổ chức… Vào thời kỳ Mỹ - Diệm công khai phá hoại Hiệp định Giơnevơ, chúng tăng cường "tố cộng, diệt cộng", cán bộ của ta ở các tỉnh Tây Nguyên được phân công về bám làng, bám dân; cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân; dạy con chữ, chữa cái bệnh cho nhân dân. Nhân dân nơi đây rất mực tin tưởng vào cán bộ, tin vào Đảng và Bác Hồ. Hình ảnh Bác Hồ đã được khắc sâu trong lòng người dân, với những khái niệm giản dị nhưng thành kính vô cùng: tiếng nói Bác Hồ, anh bộ đội Cụ Hồ, hạt muối, hạt gạo, củ sắn Bác Hồ, cái chữ Bác Hồ… Bà con đồng bào các dân tộc chân tình bộc bạch: "Đảng và Bác Hồ đã bày cho dân biết cái chữ, làm ra đất, làm ra nước, dạy cho dân biết cứu đói, cứu đau, có cái ăn, cái mặc và hiểu biết mọi việc trên đời"…
Hồ Chủ tịch hỏi chuyện thân mật cháu Hay Đơn, thiếu nhi dân tộc ở Tây Nguyên ra thăm miền Bắc. Ảnh: TTXVN |
Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu qua đời. Chấp hành Chỉ thị của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Thường vụ Khu ủy khu V, từ ngày 4 đến ngày 10-9-1969, tại vùng giải phóng các tỉnh Tây Nguyên, các ban tang lễ được thành lập để tổ chức lễ tang và truy điệu Bác. Đồng bào Tây Nguyên, kể cả đồng bào trong vùng địch tạm chiếm đã khóc òa lên khi nghe tin Bác mất. Bằng mọi hình thức công khai hay bí mật, đồng bào các dân tộc đã để tang Bác trong 7 ngày, có nơi tới 9 ngày, có làng đánh chiêng tang báo tin cho nhau… Tất cả mọi người, từ trẻ em đến cụ già đều tỏ lòng đau thương vô hạn.
Ý kiến bạn đọc