Multimedia Đọc Báo in

Đổi mới, sáng tạo vì nhân dân phục vụ

08:09, 16/03/2021

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là một hình mẫu tuyệt vời về phong cách lãnh đạo, làm việc gần dân, sát dân luôn chăm lo cho dân.

Sinh thời, Người đã dạy: Cán bộ, đảng viên có đưa ra hàng trăm chủ trương, chính sách mà không đem lại lợi ích cho quần chúng thì những chủ trương, chính sách đó chỉ dừng lại ở những lời nói suông. Nêu gương trong mỗi cán bộ, đảng viên là sự tự nguyện, tự giác, tự nhận thấy trách nhiệm to lớn của mình trước tập thể chứ không phải là sự gượng ép, mang tính bắt buộc của một cá nhân, hay tổ chức nào. Đó là tình cảm, niềm tin, ý chí gắn bó mật thiết với nhân dân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường thăm hỏi người dân xã Krông Jing, huyện M’Drắk bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 9 năm 2020.  Ảnh: Hồng Chuyên
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường thăm hỏi người dân xã Krông Jing, huyện M’Drắk bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 9 năm 2020. Ảnh: Hồng Chuyên

Thấm nhuần lời dạy, học và làm theo phong cách của Người, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa, thể chế hóa thành những tiêu chí cụ thể, những công việc đem lại lợi ích thiết thực nhất cho quần chúng nhân dân. Trong đó, một trong những vấn đề được đặc biệt coi trọng là công tác cán bộ - công việc then chốt của then chốt. Quyết tâm đổi mới trong đánh giá và tuyển chọn cán bộ, Đắk Lắk là tỉnh đầu tiên thực hiện việc thí điểm thi tuyển chức danh bí thư huyện ủy. Cụ thể, đã tổ chức thi tuyển Bí thư Huyện ủy Lắk và Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn. Tất cả nhằm thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương: Chọn người tài, không chọn người nhà, kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ và tiến tới phải sàng lọc cán bộ, chọn cán bộ có tâm, có tầm và sát dân, chăm lo cho dân.

Thực hiện Chỉ thị số 28 - CT/TW ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm chấn chỉnh công tác kết nạp đảng viên, khắc phục triệt để tình trạng chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng.

Để thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và giải quyết kịp thời những mong mỏi, đề xuất, kiến nghị của nhân dân, Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng quy định định kỳ hằng tháng người đứng đầu cấp ủy các cấp phải tiếp xúc đối thoại với dân và Bí thư Tỉnh ủy đã duy trì lịch tiếp dân định kỳ vào ngày 15 hằng tháng. Tăng cường bám sát cơ sở, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân; tham quan, tìm hiểu các mô hình sản xuất của tập thể cũng như cá nhân nhằm sâu sát tình hình thực tế sẽ đem lại những nhận định, bài học sinh động để từ đó có những chỉ đạo xây dựng quyết sách phù hợp, khả thi.

Với tinh thần không ngừng sáng tạo, tìm những bước đi đột phá, thời gian qua, Tỉnh ủy đã nỗ lực đổi mới ngay trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Điển hình là lần đầu tiên phát động Cuộc vận động “Hiến kế xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh” nhằm phát huy dân chủ, cầu thị, lắng nghe, chắt lọc các hiến kế của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là những giải pháp đổi mới, đột phá để xây dựng, phát triển Đắk Lắk nhanh, bền vững. Cuộc vận động được dư luận đánh giá cao đã thu hút nhiều ý tưởng, sáng kiến, đề xuất, góp ý tâm huyết, thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân xây dựng Đắk Lắk ngày một giàu đẹp, văn minh.

Ngoài cà phê, mắc ca, ca cao…, Đắk Lắk đang dần xây dựng cho mình thêm thương hiệu về năng lượng tái tạo. Nhiều vùng đất khô cằn, vùng sâu, vùng xa trên mảnh đất cao nguyên này đã khoác trên mình một diện mạo mới từ những dự án điện mặt trời và điện gió. Ngày 15-7-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định mục tiêu, từ nay đến năm 2025, phấn đấu đưa các dự án điện gió, sinh khối, điện mặt trời vào vận hành, phát điện thương mại đạt công suất 2.000 – 3.000 MW; giai đoạn 2026 – 2030, công suất các nhà máy năng lượng tái tạo đạt 3.000 – 4.000 MW. Đó còn những chỉ đạo nhằm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số; phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh, tháo gỡ các điểm nghẽn để tỉnh phát triển...

Những nỗ lực trong thực hiện đổi mới, tạo đột phá để phát triển của tỉnh thời gian qua, tất cả là nhằm phục vụ nhân dân, vì mục tiêu: nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống nhân dân.

Tất cả những trăn trở, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo đều có một mục đích chung, đó là vì dân; vì mục tiêu: xây dựng Đắk Lắk văn minh, giàu đẹp, bản sắc, xứng đáng với vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên và đời sống các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ngày càng được nâng cao.

Thuận Thành


Ý kiến bạn đọc