Lắng nghe tiếng nói từ cơ sở
Phát huy vai trò, tiếng nói và “tai mắt” của người dân tại địa phương, nhiều cử tri đã tích cực, mạnh dạn bày tỏ chính kiến, quan điểm, phản ánh những vấn đề vướng mắc, bức xúc ở cơ sở đến các vị đại biểu dân cử. Qua đó, nhiều tâm tư, nguyện vọng của người dân được quan tâm giải quyết.
Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2015, thôn Trung Tâm, xã Ea Tih (huyện Ea Kar) được chọn làm điểm xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài trên 1.360 m.
Để hoàn thành tuyến đường theo đúng tiêu chuẩn nông thôn mới, cấp ủy, ban tự quản, các đoàn thể địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công làm đường. Sau khi kiểm định chất lượng, quyết toán bàn giao công trình, nhà thầu phải trả lại cho người dân trong thôn 32 triệu đồng tiền máy trộn bê tông và ván cốt pha.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, nhà thầu vẫn dây dưa không thực hiện theo kết luận của đơn vị chức năng. Trước tình hình đó, cử tri thôn Trung Tâm đã gửi đơn kiến nghị đến Bí thư Huyện ủy Ea Kar. Ngay sau đó, lãnh đạo huyện, xã cũng là đại biểu HĐND các cấp đã trực tiếp làm việc với nhà thầu. Nhờ vậy, thôn đã được trả lại 15 triệu đồng (sau khi khấu trừ), đưa vào quỹ để sửa chữa đường giao thông của thôn.
Ý kiến cử tri là kênh thông tin quan trọng giúp các đại biểu dân cử nắm bắt những vướng mắc ở cơ sở. |
Ông Phạm Đăng Vinh, Trưởng thôn Trung Tâm phấn khởi: "Vấn đề tắc nghẽn, kéo dài mấy năm cuối cùng cũng được giải quyết nhờ sự quan tâm của lãnh đạo huyện. Tôi chỉ mong sao các đại biểu HĐND các cấp sau khi trúng cử đều gần gũi người dân, quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc ở cơ sở. Như vậy thì sẽ không có vụ việc tồn đọng kéo dài, không có điểm nóng và giữ được niềm tin của cử tri."
Hay như việc kéo đường dây hạ thế cho người dân thôn Tân Bình – thôn đặc biệt khó khăn của xã vùng III Ea Hiu (huyện Krông Pắc). Đường điện chiếu sáng được Nhà nước đầu tư xây dựng từ năm 1998 nhưng chỉ dọc theo tuyến đường trung tâm xã, cách nhà dân từ 100 - 450 m.
Để có điện sử dụng, các hộ trong thôn phải tự đóng góp tiền mua cọc, kéo đường dây dẫn điện về nhà. Sau nhiều năm sử dụng, đường dây ngày càng xuống cấp, quá tải, nguy cơ mất an toàn. Trước thực trạng đó, ban tự quản thôn đã họp dân, làm tờ trình gửi UBND xã và nhiều lần nêu ý kiến, kiến nghị tại các hội nghị tiếp xúc cử tri.
Chủ tịch UBND xã Ea Hiu Trần Ngọc Dũng cho biết, từ kiến nghị của người dân, UBND xã đã làm tờ trình gửi Điện lực Krông Pắc. Và mới đây nhất, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã về địa phương khảo sát, thiết kế và sẽ thi công khi hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Cử tri thị trấn Ea Knốp (huyện Ea Kar) tìm hiểu thông tin các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. |
Thực tế cho thấy, ở nơi nào chính quyền địa phương, các đại biểu dân cử sâu sát nhân dân, nắm bắt tình hình địa bàn và lắng nghe, quan tâm giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, thì nơi đó sẽ “an dân”.
Trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, HĐND tỉnh đã tổ chức 10 đợt tiếp xúc cử tri với gần 57.000 cử tri tham dự, có 6.162 lượt cử tri phát biểu ý kiến, kiến nghị. Theo đánh giá của HĐND tỉnh, các đại biểu dân cử ngày càng phát huy vai trò, trách nhiệm; cử tri ngày càng có ý thức cao hơn trong việc tham gia đóng góp ý kiến. Phần lớn các ý kiến của cử tri đã được giải đáp ngay tại buổi tiếp xúc. Những ý kiến vượt thẩm quyền đều được chuyển đến ngành chức năng xem xét, giải quyết thấu đáo, tháo gỡ được khó khăn, bức xúc, đáp ứng mong đợi của cử tri.
Chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, thời gian qua, MTTQ các cấp đã tổ chức các hội nghị cho ứng cử viên tiếp xúc với cử tri để vận động bầu cử. Tại các hội nghị, cử tri đều bày tỏ sự đồng thuận cao và mong muốn các ứng cử viên sau khi trúng cử tiếp tục gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để phản ánh và ghi nhận, chuyển đến các cấp, ngành chức năng. Hy vọng rằng, niềm tin và tiếng nói của cử tri sẽ luôn được các vị đại biểu dân cử lắng nghe, giải quyết thấu đáo.
Xuân Cường
Ý kiến bạn đọc