Multimedia Đọc Báo in

Xã hội hóa - chìa khóa thành công của xe buýt Dak Lak

16:00, 07/08/2011

Trong khi nhiều tỉnh thành trong cả nước phải hỗ trợ  hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để duy trì hoạt  động vận tải xe buýt, thì tại Dak Lak, hoạt động vận tải hành khách công cộng này vẫn được các doanh nghiệp giữ vững sự ổn định, dù không được hỗ trợ. Các doanh nghiệp ngày càng ăn nên làm ra, người dân được hưởng sự tiện lợi do loại hình vận tải này mang lại.

     Xe buýt đã trở thành phương tiện giao thông được nhiều người lựa chọn, nhất là học sinh.           Ảnh: Nam Sơn
Xe buýt đã trở thành phương tiện giao thông được nhiều người lựa chọn, nhất là học sinh. (Ảnh: Nam Sơn)
Không chỉ trong phạm vi TP. Buôn Ma Thuột, xe buýt ở Dak Lak bây giờ đã vươn tới tất cả các huyện, thị và len lỏi tới nhiều xã vùng sâu, vùng xa để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Xe buýt liên xã, liên huyện kết thành mạng lưới dày đặc đã tạo nên một nét văn hóa mới trên cao nguyên đất đỏ bazan: văn hóa xe buýt! Sự tiện lợi của xe buýt như ổn  định về thời gian đi lại, đưa đón gần như tận nơi, giá rẻ, độ an toàn cao…đã thu hút được đông đảo hành khách tham gia. Sự xuất hiện của xe buýt đã giúp cán bộ nhân viên, công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên có thêm sự lựa chọn cho việc đi lại.

Giám  đốc Sở Giao thông – Vận tải Lê Xuân Biểu cho biết, thành công hôm nay của xe buýt Dak Lak được đúc kết kinh nghiệm từ những thất bại trong thời gian đầu triển khai theo cơ chế bao cấp. Triển khai xã hội hóa, doanh nghiệp phải hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường đã từng bước khắc phục được hạn chế, mở ra cánh cửa thành công. Ông Biểu cho rằng, đã trợ giá thì như bao cấp, mà bao cấp thì nếu mà lỗ thì có Nhà nước chịu cho nên trách nhiệm doanh nghiệp không cao. Trong quản lý xe, với chất lượng dịch vụ và chất lượng phương tiện thì hầu như doanh nghiệp nào cũng có tư tưởng ỷ lại. Việc đầu tư các phương tiện cũng không tính toán kỹ, rồi không quan tâm sửa chữa bảo dưỡng thường xuyên nên xe xuống cấp, hiệu suất tiêu hao nhiên liệu cao nên dễ bị lỗ. Và đó chính là chìa khóa để chúng ta rút kinh nghiệm cho thực hiện xã hội hóa. Mặc dầu ban đầu các doanh nghiệp triển khai xã hội hóa cũng gặp một số khó khăn, nhưng sau đó tình hình kinh doanh loại hình vận tải này ngày càng ổn định và phát triển.

Xe buýt đang là phương tiện giao thông công cộng hoạt động hiệu quả nhất tại Dak Lak.
Xe buýt đang là phương tiện giao thông công cộng hoạt động hiệu quả nhất tại Dak Lak.
Hợp tác xã (HTX) Quyết Thắng – doanh nghiệp đầu tiên triển khai xã hội hóa xe buýt là minh chứng điển hình cho thành công của mô hình này tại Dak Lak. Ban đầu, HTX chỉ có 6 xe chạy trên tuyến Quốc lộ 26 từ TP. Buôn Ma Thuột đi các huyện Ea Kar, Krông Pak, M’Drak. Đến nay, sau 6 năm hoạt động, số đầu xe đã tăng lên 60 chiếc, trong đó có 8 chiếc là xe buýt chất lượng cao đầu tiên ở Dak Lak, trị giá mỗi chiếc 1 tỷ 400 triệu đồng. Cốt lõi thành công của HTX Quyết Thắng là coi trọng chất lượng phục vụ khách hàng trên cơ sở những tính toán kinh doanh phù hợp với địa bàn miền núi của tỉnh. Ông Nguyễn Thái Thanh, Phó chủ nhiệm HTX Quyết Thắng cho biết, nhu cầu của xã hội mỗi ngày có sự đòi hỏi theo chiều hướng phát triển, rõ ràng khi đó mình phải tìm những hướng đi phù hợp theo kịp sự phát triển của xã hội. Phải luôn tâm niệm, sự hài lòng của khách hàng là đòn bẩy cho doanh nghiệp phát triển. Trong thời gian tới hợp tác xã sẽ cố gắng tiếp tục nghiên cứu để phát triển mô hình phục vụ tốt hơn nữa. Cùng với coi trọng chất lượng phục vụ hành khách, HTX Quyết Thắng cũng chú trọng đến siết chặt công tác quản lý. Với việc mở một xưởng sửa chữa, bảo trì xe và một đại lý xăng dầu, đơn vị đã khép kín gần như hoàn toàn trong vấn đề quản lý phương tiện và nhiên liệu, giảm tối đa các chi phí trung gian. Bên cạnh đó, lợi ích của người lao động được HTX coi là điều không thể thiếu nếu muốn phát triển bền vững. Ngoài mức lương hằng tháng của lái xe là hơn 5 triệu đồng, và hơn 3 triệu đồng đối nhân viên bán vé, HTX còn lo 2 bữa ăn trưa và tối cho tất cả nhân viên. Những người chưa có nhà ở được HTX bố trí chỗ ở tại khu nhà tập thể. Với sự đãi ngộ này, ở Quyết Thắng, rất ít có trường hợp nhân viên bỏ việc, chất lượng phục vụ hành khách cũng được nâng cao. Ông Phạm Văn Hữu, lái xe của HTX Quyết Thắng cho biết: “Công việc lái xe như chúng tôi thì rất thoải mái. Hợp tác xã tạo nhiều điều kiện thuận lợi như: thời gian chạy đúng giờ giấc, một chuyến được nghỉ 20 phút; HTX còn phục vụ nhân viên và lái xe ngày hai bữa ăn, rất bảo đảm chất lượng. Nói chung công việc của anh em chúng tôi được hợp tác xã rất quan tâm nên anh em nhiệt tình và yên tâm công tác thôi.”

Giống như Quyết Thắng, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xe buýt theo mô hình xã hội hóa ở Dak Lak đều đã thành công và ngày càng phát triển. Hiện toàn tỉnh đã có hơn 200 xe buýt (đứng thứ 4 cả nước về số lượng), thuộc 6 doanh nghiệp, kinh doanh trên 26 tuyến nội tỉnh. Mỗi ngày, có khoảng 1.000 lượt xe chạy từ TP. Buôn Ma Thuột đi đến hầu hết trung tâm các huyện, xã, điểm du lịch và sang một số huyện, thị tỉnh Dak Nông. Năm 2010, xe buýt đã phục vụ tới gần 20 triệu lượt hành khách. Có thể nói, sau 8 năm triển khai, vận tải xe buýt Dak Lak đã khẳng định được sự thành công của mình.  

Giang Nam

Ý kiến bạn đọc