Multimedia Đọc Báo in

Tổ chức sinh hoạt hè cho các em: Trách nhiệm của người lớn

08:27, 08/06/2011

Mùa hè là dịp để các em học sinh được nghỉ ngơi, vui chơi sau 9 tháng trời miệt mài đèn sách. Làm thế nào để các em có những ngày hè thật sự bổ ích và lý thú? Đây là vấn đề cần được sự quan tâm đồng bộ của các cấp các ngành và các bậc phụ huynh.

Khi hè đến, cũng là lúc năm học kết thúc, đa số các trường học đều  có kế hoạch chuyển giao học sinh về địa phương (địa bàn các em cư trú) để quản lý và tổ chức cho các em sinh hoạt hè. Lễ bàn giao được tổ chức một cách chu đáo và có ấn tượng, giúp các em thấy được sự quan tâm của nhà trường cũng như địa phương, để từ đó có trách nhiệm thực hiện tốt những quy định đề ra. Thường thì đoàn thanh niên địa phương đứng ra chịu trách nhiệm nhận danh sách học sinh từ nhà trường, rồi từ đó phân tổ theo địa bàn, có các anh chị phụ trách theo dõi, hướng dẫn vui chơi, sinh hoạt. Đối với học sinh bậc tiểu học, các em được sinh hoạt theo “Sao”, được tổ chức chơi những trò chơi “Đi tìm địa chỉ đỏ”, học bài hát mới... Đối với khối lớp phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, một số em có năng khiếu thì đăng ký học các lớp theo sở thích của mình, do nhà trường hoặc nhà văn hóa thanh thiếu nhi tổ chức, như: “Học làm người có ích”, học khiêu vũ thể thao; tham gia đội tuyên truyền măng non, nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng, ca múa nhạc tuổi thơ; hoặc tham gia “Học kỳ quân đội” v.v... một số khá đông các em khác thì được bố mẹ cho về thăm quê nội, quê ngoại, đi pích ních hoặc du lịch, nghỉ mát...

Tuy nhiên, có rất đông các em học sinh nông thôn, vùng sâu vùng xa, vì nhiều lý do, hoặc nhà nghèo, hoặc điều kiện không cho phép, nên kỳ nghỉ hè không thật mang ý nghĩa là dịp nghỉ ngơi. Các em phải phụ giúp bố mẹ lao động để có thêm thu nhập cho gia đình và dành dụm số tiền nho nhỏ để mua sách vở cho năm học tới. Em Đào Thị Lan, 13 tuổi, học lớp 7, ở khối 8 phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, ngoài việc trông em, còn giúp mẹ luộc ngô để bán;  em Hoàng Văn Tâm, ở xã Ea Knuếch, huyện Krông Pak, vừa chăn dắt đàn bò hàng chục con vừa tranh thủ đọc tập truyện “Kính Vạn hoa” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh mà em rất yêu thích. Em Dương Văn Quý, học sinh lớp 5, nhà ở phường Khánh Xuân, dịp hè này phải theo ông nội lên phụ giúp việc vá xe ở ngã tư đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn Tất Thành. Đi từ sáng, chiều tối chẫm hai ông cháu mới dọn đồ trở về. Cũng phải làm việc phụ giúp gia đình , nhưng hai chị em Nguyễn Thị Ngọc và Nguyễn Ngọc Minh, ở huyện Cư M’gar thì đã đề ra kế hoạch rõ ràng cho mình là: trong hè này, mỗi chị em phải có được vài trăm nghìn đồng để mua bộ sách giáo khoa cho năm học mới. Nguyễn Thị Ngọc cho biết: “Chúng cháu sẽ đi hái hoa chuối bán cho các tiệm phở, tiệm bún làm nộm sống,  hái các loại cây thuốc nam ở rẫy của đồng bào dân tộc về phơi khô để mẹ đem bán ngoài chợ. Tuy rằng lãi không nhiều, nhưng chịu khó, thì hy vọng đầu năm học mới chúng cháu sẽ dành dụm được đủ số tiền như dự định”.

Trong dịp hè, Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh luôn tổ chức nhiều trò chơi cho các em. (Ảnh: Hoàng Gia)
Trong dịp hè, Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh luôn tổ chức nhiều trò chơi cho các em. (Ảnh: Hoàng Gia)
Làm thế nào để các em  học sinh thuộc đối tượng trên đã vất vả sau chín tháng đèn sách thực sự được hưởng một mùa hè vui vẻ? Đây là câu hỏi không dễ trả lời, bởi nó đòi hỏi sự quan tâm phối hợp của toàn xã hội, mà cụ thể là các bậc phụ huynh, các cấp đoàn thể, chính quyền địa phương và của cả nhà trường - nơi các em đã, đang và sẽ theo học. Không có sự phối hợp, quan tâm đồng bộ trên thì các em không thể có “mùa hè vui” được. Các em là chủ thể trong sinh hoạt hè, nhưng bản thân các em không tự đứng ra tổ chức vui hè được. Vì vậy, trong những ngày hè đã có không ít cảnh học sinh tốp ba tốp bảy tụ tập nhau đá bóng trên vỉa hè, dưới lòng đường... cản trở trật tự an toàn giao thông; hoặc nhiều em rủ nhau đi chơi thác, tắm suối; rủ nhau trèo cây, bắt tổ chim v.v... gây nên nhiều cái chết thương tâm như chết đuối, chết do ngã cây, do tai nạn giao thông v.v... Gần đây nhất là vụ ngày 15-5, ba học sinh Trường THCS Nguyễn Tất Thành, huyện Cư M’gar rủ nhau đi tắm hồ. Kết quả là một em bị chết đuối, hai em được cứu, nhưng phải nhập viện. Những sự việc đau lòng ấy có lỗi một phần ở người lớn. Nếu như trước khi nghỉ hè, các trường tiến hành nhắc nhở, quán triệt thường xuyên; tổ chức đoàn nơi các em cư trú có biện pháp cương quyết, phối hợp với phụ huynh giám sát các em không được tự mình đi chơi thác, tắm hồ, tắm suối; không nô đùa, đá bóng dưới lòng lề đường; có lịch cụ thể để các em vừa làm việc nhà, vừa được vui chơi, sinh hoạt phù hợp với điều kiện của địa phương... thì chắc chắn đã hạn chế được những mất mát đáng tiếc trên. Nên chăng, trong dịp hè, các cấp đoàn, đội ngoài việc tổ chức các hoạt động, sinh hoạt hè bổ ích, tạo cho các em có một sân chơi phù hợp với từng lứa tuổi, thì cần tổ chức cho các em tập bơi, vui chơi, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao... có hướng dẫn, có người phụ trách. Đây là việc làm rất bổ ích cả trước mắt cũng như về lâu dài, được phụ huynh ủng hộ. Huyện Cư M’gar, là một trong những địa phương làm tốt công tác này. Mỗi hè đến, Phòng Văn hóa thông tin huyện lại tổ chức các giải bóng đá thiếu niên nhi đồng dành cho các em trong độ tuổi. Ở  các buôn của đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài các hoạt động ở nhà văn hóa cộng đồng, còn kết hợp tổ chức các lớp dạy đánh chiêng dành cho các em...

Đầu tư cho thế hệ trẻ là đầu tư cho tương lai. Học sinh được tham gia sinh hoạt hè một cách thiết thực, bổ ích sẽ giúp các em thoải mái về tư tưởng, học được nhiều điều mới mẻ ngoài sách vở; để rồi sau mỗi dịp hè, các em lại phấn khởi bước vào năm học mới với tâm thế mới, cố gắng mới. Và, một điều chắc chắn là những mùa hè tuổi thơ sôi động sẽ để lại dấu ấn tốt đẹp, sâu đậm trong ký ức các em, mãi mãi không bao giờ phai... 

 

Đinh Hữu Trường

Ý kiến bạn đọc