Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường công tác tiêm vắc-xin phòng chống cúm gia cầm

08:49, 19/03/2014

Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm H5N1 đã xảy ra tại một số nơi trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi (điều đáng nói là các ổ dịch đều xảy ra trên đàn gia cầm chưa tiêm phòng). Trước tình hình đó, Dak Lak đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, trong đó đẩy mạnh công tác tiêm phòng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Tính từ ổ dịch cúm gia cầm H5N1 đầu tiên ở xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, đến nay Dak Lak đã có thêm 9 xã thuộc 6 huyện có dịch, tổng số đàn gia cầm bị chết và tiêu hủy trên 21.000 con. Điều đáng nói là tất cả các ổ dịch xảy ra đều trên đàn gia cầm không tiêm phòng vắc-xin, trong khi đó tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh không cao, nên nguy cơ bùng phát dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào và bất cứ địa phương nào. Theo các cơ quan chuyên môn, cúm gia cầm cúm A(H5N1) là dịch bệnh chưa có thuốc chữa, nhưng có thể phòng dịch nếu tiêm vắc-xin đầy đủ, phun khử trùng tiêu độc và thực hiện tốt các biện pháp khác. Theo Chi cục Thú y, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện thêm ổ dịch mới, tuy nhiên mật độ lưu hành chủng vi rút cúm gia cầm là rất cao 13% (trong khi cả nước là 6%), và đáng lo ngại hơn là do có dịch bệnh nên giá gia cầm giảm, không ít hộ chăn nuôi lơ là chăm sóc, quản lý, phòng dịch cho gia cầm... Trước thực trạng trên, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các  đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát lại các trang trại, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện ký cam kết tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm và thực hiện tháng tiêu độc khử trùng. Theo đó, các địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, rà soát lại đàn gia cầm trên địa bàn, vận động và khuyến cáo người dân tham gia vào công tác phòng dịch, nhất là việc tiêm phòng vắc-xin cúm A/H5N1 cho đàn gia cầm.

Các trang trại gia cầm trên địa bàn phường Tân Thành chủ động tiêm vắc-xin cúm A/H5N1 cho đàn gà.
Các trang trại gia cầm trên địa bàn phường Tân Thành chủ động tiêm vắc-xin cúm A/H5N1 cho đàn gà.

Cư Kuin được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác phòng chống dịch, nhất là công tác tiêm phòng. Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Trưởng phòng NN-PTNT huyện: tính đến nay trên địa bàn huyện đã xảy ra 4 ổ dịch cúm gia cầm (H5N1) tại 2 thôn của 2 xã Ea Hu (3 hộ) và Ea Bhốk (1 hộ), tổng số gia cầm mắc bệnh chết, tiêu hủy là 11.842 con (1.885 gà, 9.831 vịt, 85 ngan đẻ và 41 chim bồ câu). Khi dịch xảy ra, các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của huyện đã phân công người theo dõi diễn biến dịch bệnh và triển khai nhanh chóng công tác dập dịch, đồng thời chỉ đạo UBND các xã, tổ xung kích chống dịch, Trạm thú y phối hợp với các xã thống kê đàn gia cầm trên địa bàn xã và tiến hành tiêu độc khử trùng vùng có ổ dịch, vùng xung quanh với hóa chất Benkocid. Song song đó, huyện tập trung cao độ cho việc triển khai tiêm phòng bắt buộc chủ đàn gia cầm trên toàn huyện, Phòng NN-PTNT đã chỉ đạo, phối hợp với mạng lưới thú y cơ sở, cán bộ thôn, buôn, Đài truyền thanh huyện tuyên truyền, cảnh báo cho người dân về tính chất, đặc điểm, tác hại của dịch để từ đó tăng cường biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1. Nhờ vậy, đến nay toàn huyện đã tiêm được 195.000 liều vắc xin cúm gia cầm (chủng Re-6) trên tổng đàn gia cầm 427.000 con, trong đó Trạm thú y tổ chức tiêm 110.000 con, các trang trại gà của Công ty CP, EMIVES tiêm 70.000 con, người dân tự tiêm 15.000 liều. Ông Nguyễn Văn Khôi cho biết thêm: đã chăn nuôi thì trước hết phải biết cách phòng bệnh. Ngoài việc lựa chọn con giống được sản xuất ở cơ sở tin cậy và có kiểm soát của cơ quan chuyên môn, người dân cần đặc biệt quan tâm đến việc tiêm vắc-xin và phun thuốc khử trùng tiêu độc theo định kỳ nhằm giúp đàn gia cầm chống được dịch bệnh. Cũng nhờ thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nên đến nay dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên địa bàn huyện đã được khống chế (từ 25-02-2014 đến nay không xuất hiện thêm ổ dịch, tỷ lệ tiêm phòng đạt 46% và phấn đấu tiêm đạt 70% tổng đàn). Tương tự, tại phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm cũng được thực hiện rất tốt. Theo bà Nguyễn Thị Anh Thơ, Chủ tịch Hội nông dân phường: tổng đàn gia cầm trên địa bàn phường hơn 11.000 con, trong đó có 2 trang trại, còn lại chăn nuôi quy mô hộ gia đình. Mặc dù dịch cúm gia cầm chưa xảy ra, nhưng lực lượng thú y đã trực tiếp xuống các hộ chăn nuôi vận động người dân thực hiện cam kết tiêm phòng cúm cho đàn gia cầm. Đến nay, 2 trang trại nuôi gà siêu trứng với quy mô từ 2.500 – 5.000 con đã tiêm phòng xong, còn các hộ chăn nuôi gia đình cũng đã tự mua vắc-xin về tiêm. Cũng nhờ công tác kiểm soát đàn tốt, cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người chăn nuôi mà trong nhiều năm trở lại đây trên địa bàn phường không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Ngoài 2 địa phương trên, nhiều nơi cũng đang tập trung đẩy mạnh tiêm phòng cho đàn gia cầm như huyện Krông Pak, Krông Bông, Lak… nhằm bảo vệ đàn trước nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát. Chi cục Thú y tỉnh cho biết, lượng vắc-xin cung ứng cho nhân dân được khoảng 800.000 liều, ngoài ra các trang trại lớn thuộc các công ty đã chủ động mua vắc-xin từ đơn vị cung ứng thuốc. Cùng với đó, các địa phương cũng đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở sản xuất giống và các trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn; khuyến cáo và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh; đồng thời đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, lưu thông buôn bán, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc