Multimedia Đọc Báo in

Những người "thám hiểm" dưới lòng đại dương

08:42, 01/05/2014
Để phục vụ xây dựng các công trình trên biển, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 5 Bộ Tư lệnh Đặc công đã bất chấp sóng gió, gian khổ lặn sâu dưới đáy đại dương, trườn mình qua các khe, kẽ đá, chui vào mảng san hô để lấy mẫu nước, mẫu san hô.
 
Để làm được công việc nguy hiểm luôn rình rập này, ngoài trình độ chuyên môn, những người lính phải có sức khỏe cực tốt, tinh thần thép và chịu được áp lực lặn nước sâu. Họ được ví như những người “thám hiểm” dưới lòng đại dương.  
 
Trăm người chọn một

Đồng đội thường gọi vui cán bộ, chiến sĩ Đoàn 5 Bộ Tư lệnh Đặc công là “làm bạn với hà bá”. Nghe có vẻ trần trụi nhưng lại rất đúng với tính chất công việc mà hằng ngày họ đang làm. Theo các chiến sĩ trẻ của đơn vị, cái tên “làm bạn với hà bá” xuất phát từ đặc thù nhiệm vụ với thời gian ở trên biển nhiều hơn ở đất liền, dưới nước nhiều hơn trên cạn.

 Anh Nguyễn Đăng Khải, một thợ lặn kỳ cựu có thâm niên trên 15 năm kinh nghiệm của Đoàn 5 tâm sự: “Dưới lòng biển không chỉ có những sinh vật rất kỳ lạ, mà còn có những dãy vách đá dựng đứng, những khe đá sâu thẳm đan xếp nhau như những mái nhà nhọn hoắt. Để luồn sâu vào được những khe đá, đo những số liệu chính xác về dòng chảy, lấy được những mẩu san hô ở độ sâu 40-60 mét, chúng tôi phải trườn mình, luồn lách dưới đáy biển. Ở độ sâu ấy, chỉ cần sơ suất nhỏ như dây ô xy bị đứt do cứa phải san hô là tính mạng có thể gặp nguy hiểm. Bởi vậy, công tác chuẩn bị cho một lần thám hiểm đặc biệt quan trọng. Trước khi lặn sâu, chúng tôi phải nằm úp mặt xuống nước để điều chỉnh áp lực. Khi lặn xuống biển phải lặn theo đường thẳng nghiêng, khi nổi lên phải từ từ để tránh bị sốc. Tóm lại đây là một công việc cực kỳ nguy hiểm và không phải ai cũng có thể làm được”.

Công việc nặng nhọc, nguy hiểm của lính lặn.
Công việc nặng nhọc, nguy hiểm của lính lặn.

Từ trên sàn cập tàu của nhà giàn Tư Chính 5, có thể thấy rõ 5 chiến sĩ đeo bình ô xy, mặc quần áo nhái lặn sâu xuống đáy biển. “Mùa này biển lặng, nước trong có thể nhìn tận đáy san hô sâu 13 mét. Cứ 30 phút thì nổi lên một lần”, anh Khải cho biết. Được hỏi: “Công việc nặng nhọc và nguy hiểm như thế, khó khăn nhất khi lặn sâu xuống đáy biển là gì?”, anh Khải tâm sự: “Áp lực của nước dễ làm cho người lặn đứng tim, hoặc liệt người tê cứng. Nếu không khởi động đúng kỹ thuật và tuân thủ quy trình lặn, rất dễ gặp tai nạn nghề nghiệp. Để tránh gặp rủi ro, công tác kiểm tra cực kỳ tỉ mỉ, từ cách mặc áo phao, đeo bình ô xy, cách ngậm ống cao su, cách thở, đặc biệt cách xử lý tình huống khi gặp cá mập, hoặc sự cố dây đứt do bị hà cứa, hoặc có biểu hiện tê liệt chân tay. Trước khi xuống biển, ngoài khâu kỹ thuật, mọi chiến sĩ phải được kiểm tra về sức khỏe và tinh thần. Nếu kỹ thuật tốt, sức khỏe tốt nhưng tinh thần không tốt thì cũng không thể lặn. Ba yếu tố này phải đồng bộ, người lặn phải hoàn toàn vui vẻ, tỉnh táo, phấn khởi, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không ngại gian khổ, hy sinh”.

Đoàn phó quân sự Bùi Đình Ninh cho biết: “Việc nghiên cứu quy luật dòng chảy và các loại sinh vật biển, địa lý quân sự dưới đáy biển rất phức tạp. Chúng tôi phải liên tục bơi dưới sức ép dòng chảy của nước. Để có những thước phim quay được từ lòng biển, số liệu chính xác lên xuống của thủy triều, đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sĩ phải có kỹ năng nghiệp vụ, sức khỏe tốt cùng với tâm huyết nghề nghiệp. Tất cả các số liệu đều ảnh hưởng rất lớn đến công tác nghiên cứu xây dựng những công trình trên biển. Hằng năm, chúng tôi nghiên cứu hầu hết các bãi cạn thềm lục địa. Có nhiều điều bất thường khi lặn ở độ sâu  như ngất lịm, thậm chí nguy kịch đến tính mạng nếu đứt dây hơi. Dưới lòng biển là cả một hệ thống vách núi nhọn và sắc như dao. Chỉ sơ ý dây hơi quấn hoặc bị đá cứa đứt là thợ lặn ngưng thở ngay. Bởi thế, dây hơi được quấn một lớp vải bền bên ngoài. Thợ lặn đến đâu, chúng tôi theo dõi bằng camera đến đó. Nghề này, trăm người chỉ chọn được một người”.

Tạm gác tình riêng

Công việc nặng nhọc là thế nhưng cán bộ, chiến sĩ Đoàn 5 đều nhiệt tình, hết mình vì nhiệm vụ. Các chiến sĩ đều có làn da bánh mật chắc nịch, có thâm niên làm thợ lặn nhiều năm, tóc ai cũng đỏ hoe và xơ cứng như rễ tre. Chiến sĩ trẻ Đồng Văn Hạnh tiết lộ: “Tóc đỏ là do nhiều lần luyện tập và lặn sâu xuống lòng biển. Tuy nhiên, việc gội đầu cũng rất hạn chế dùng dầu gội, bởi tàu đi làm nhiệm vụ khảo sát thời gian dài hơn hai tháng lênh đênh trên biển, nước ngọt phải tiết kiệm thật chi li mới có thể đủ cho đánh răng rửa mặt, nhiều khi rửa mặt thì thôi đánh răng. Nước đâu dư giả mà gội đầu nhiều”.

Do tính chất công việc, hầu hết cán bộ, chiến sĩ ở Đoàn Đặc công 5 đều lấy vợ muộn, có người năm nay đã 40 tuổi mà vẫn “phòng không”. Khi nhắc đến chuyện vợ con là Dương Văn Tiến (Bí thư Chi đoàn của tàu) lại gãi tai: “Mình vẫn chưa tìm được vợ. Chẳng biết có ai thông cảm với người lính đặc công chúng tôi nay đây mai đó không? Chúng tôi là những người thám hiểm lòng biển, sống với biển, vui buồn với biển nên tình riêng đành gác lại một bên”.

 Sau gần một tháng lăn lộn với sóng gió, tạm biệt biển khơi, cán bộ chiến sĩ Đoàn Đặc công 5 trở về đất liền. Không có thời gian nghỉ ngơi nhiều, những người lính chỉ trở về đất liền thăm vợ con dăm bữa, nửa tháng, ở chưa ấm chỗ lại đi biển. Tuy công việc nặng nhọc vất vả, nguy hiểm, song đối với các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 5 Bộ Tư lệnh Đặc công lại là niềm vinh quang và tự hào bởi họ đã góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Mai Thắng

 


Ý kiến bạn đọc