Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ vốn khởi nghiệp

09:52, 29/01/2016

Thời gian qua, các tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn huyện Cư M’gar đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm phát huy vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhau giảm nghèo. Đáng chú ý là từ nguồn vốn “Quỹ khởi nghiệp”, nhiều ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn hoặc từng lầm lỡ đã vươn lên thoát nghèo, làm lại cuộc đời.

Khởi nghiệp từ nguồn vốn vay

Trước đây, gia đình anh Nguyễn Hải Kiên (thôn Phú Thành, xã Ea Drơng) thuộc diện hộ nghèo. Năm 2009, anh Kiên lên TP. Buôn Ma Thuột theo học một lớp sửa chữa xe máy trong thời gian 4 tháng. Sau khi hoàn thành khóa học, do thiếu vốn để mở tiệm, anh phải phụ việc cho một số tiệm sửa chữa xe máy. Sau hơn 5 năm theo nghề, anh đã tích lũy được chút ít vốn liếng và có thêm kinh nghiệm. Đầu năm 2015, thông qua Đoàn xã Ea Drơng, anh Kiên được Hội LHTN Việt Nam huyện cho vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn “Quỹ khởi nghiệp” để đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc, mở tiệm sửa chữa xe máy. Sau 1 năm mở tiệm, nhờ tay nghề cao, làm việc với tinh thần trách nhiệm, giá cả hợp lý nên tiệm sửa chữa xe máy của anh ngày càng đông khách. Không giấu được niềm vui, anh Kiên khoe: “Từ khi được vay vốn, công việc làm ăn của tôi gặp nhiều thuận lợi, kinh tế gia đình được cải thiện. Thời gian này, đang bước vào thời điểm cuối năm, lượng người mang xe đến tân trang, sửa chữa rất đông nên tôi phải tranh thủ làm cả ban đêm. Mặc dù vất vả nhưng có khách tới sửa là vui rồi, tôi cố gắng hoàn thành trong thời gian ngắn nhất để phục vụ khách hàng. Sắp tới, tôi dự định mở rộng thêm quy mô cơ sở, đồng thời tuyển thêm thợ phụ giúp công việc hằng ngày”.

Anh Nguyễn Hải Kiên (thôn Phú Thành, xã Ea Drơng) sửa chữa xe máy cho người dân.
Anh Nguyễn Hải Kiên (thôn Phú Thành, xã Ea Drơng) sửa chữa xe máy cho người dân.

Anh Y Ta Môn Niê (buôn Drai, xã Ea Tul) từng có tiền án về tội “Cố ý gây thương tích”. Năm 2013, sau khi được mãn hạn tù, với quyết tâm làm lại cuộc đời, anh chạy vạy khắp nơi vay mượn tiền để mở tiệm nhôm, kính và làm cửa sắt nhưng với “quá khứ bất hảo” nên không ai tin tưởng. Trong một lần tình cờ khi làm các thủ tục xin vay vốn tại xã Ea Tul, cán bộ xã biết đến ý nguyện của anh nên đã trao đổi lại với Huyện Đoàn và đến năm 2015, anh được tạo điều kiện cho vay vốn “khởi nghiệp” số tiền 20 triệu đồng. Hiện nay xưởng nhôm, kính, cửa sắt của anh Y Ta Môn phát triển tương đối ổn định, tạo công ăn việc làm cho 2 lao động nông thôn. Anh chia sẻ: “Do mình mới mở tiệm nên còn ít khách hàng, hiệu quả kinh tế chưa cao, nhưng điều quan trọng là mình đã tìm lại niềm vui, bắt đầu kiếm được những đồng tiền từ chính sức lao động của mình”.

Từ một thanh niên quanh năm chỉ đi làm thuê, nay anh Nguyễn Mạnh Tuân (thôn Tiến Thịnh, xã Quảng Tiến) đã sở hữu một cơ ngơi khang trang. Anh Tuân cho biết: “Cùng với số tiền tiết kiệm trong những năm đi làm thuê, tôi được Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện hỗ trợ vay thêm 20 triệu đồng từ nguồn vốn “Quỹ khởi nghiệp” và được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt. Có vốn, có kiến thức, tôi thử làm mô hình nuôi heo thịt, ban đầu chỉ nuôi mấy con nhưng về sau thấy hiệu quả nên tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi thêm, đến giờ đã có 2 con heo nái, 20 con heo thịt, trung bình mỗi năm thu nhập trên 50 triệu đồng”…

Nhu cầu nhiều, kinh phí có hạn

“Quỹ khởi nghiệp” do Hội LHTN Việt Nam huyện phát động từ năm 2014, nguồn vốn được huy động từ sự đóng góp của ĐVTN các tổ chức cơ sở Đoàn trong huyện, cùng sự hỗ trợ từ các cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn. Đến nay, nguồn vốn “Quỹ khởi nghiệp” có khoảng 220 triệu đồng và đã giải ngân cho 11 ĐVTN vay vốn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, từ năm 2011 đến nay, các tổ chức Đoàn trên địa bàn huyện đã đứng ra tín chấp với Phòng giao dịch Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho ĐVTN vay gần 22 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế. Thủ tục vay vốn từ “Quỹ khởi nghiệp” khá đơn giản, thanh niên có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế sẽ lập đề án gửi Hội LHTN Việt Nam huyện, những đề án có tính khả thi được Hội đồng thẩm định của Quỹ phê duyệt, cho vay tối đa 20 triệu đồng (không tính lãi) và phải hoàn trả vốn đúng thời hạn quy định. Nhờ sự tiếp sức từ nguồn vốn “Quỹ Khởi nghiệp” mà nhiều ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn hoặc từng vướng vòng lao lý đã được trao cơ hội làm lại cuộc đời, theo đuổi ước mơ, vươn lên làm giàu bằng chính đôi bàn tay, khối óc của mình thông qua việc xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế. Nhiều người không chỉ tạo được chỗ đứng cho bản thân, tạo việc làm cho ĐVTN khác mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho địa phương.

Anh Ngô Điền Phương, Phó Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar cho biết: “Số tiền 15-20 triệu đồng tuy nhỏ nhưng rất cần thiết giúp thanh niên nông thôn có thêm vốn để phát triển sản xuất, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Nhìn chung, các hộ được vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Hiện nay, toàn huyện có 7.069 ĐVTN, sinh hoạt ở 377 chi đoàn thuộc 42 tổ chức cơ sở Đoàn, trong đó ĐVTN khối nông thôn nhiều nhất, với 2.900 người (chiếm 49,2%). Qua khảo sát, có hàng trăm ĐVTN mong muốn được vay vốn khởi nghiệp, nhưng do kinh phí có hạn nên phải xem xét kỹ từng trường hợp để giải ngân phù hợp. Nhu cầu của thanh niên là chính đáng, nhưng nguồn vốn còn ít, nên cần nhân rộng để nhiều thanh niên có cơ hội khởi nghiệp và lập nghiệp”.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc