Multimedia Đọc Báo in

Đường về ven đô

06:59, 13/03/2016

Bước phát triển của Buôn Ma Thuột hôm nay hiển hiện sinh động trong hơi thở nhịp sống. Từ khu Tây Nam trập trùng đồi cây, xanh biếc hồ nước đến khu Đông Bắc náo nhiệt rộng mở đang nối dài những con đường vùng ven, kết nối nhịp sống mới cho đô thị trẻ.

Có mặt trong đội quân tham gia đặt mìn mở móng công trình thủy điện Đray H’linh, rồi bén duyên với vùng đất bên sông Sêrêpôk này từ hàng chục năm nay, ông Hoàng Biên Thùy, Chủ tịch Hội CCB xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) luôn dõi theo bước đường đi lên của thành phố trẻ với niềm tin tưởng, tự hào. Theo ông, ghi dấu ấn rõ nét trong bước phát triển ấy phải kể đến bộ mặt vùng ven đô.

Đường về buôn Cư Luê xã Hòa Xuân đã được nhựa hóa, thuận tiện cho việc đi lại của người dân.
Đường về buôn Cư Luê xã Hòa Xuân đã được nhựa hóa, thuận tiện cho việc đi lại của người dân.

Còn nhớ, những năm sau giải phóng, Buôn Ma Thuột chỉ là một thị xã nghèo nàn, dù địa giới hành chính khá rộng với 7 phường và 21 xã, nhưng nhịp sống đô thị có thể nói mới dừng lại ở khu vực các phường trung tâm với những con đường nhỏ hẹp quanh khu vực Ngã Sáu, hệ thống điện sinh hoạt, thắp sáng phập phù phụ thuộc vào mấy cỗ máy phát điện chạy bằng động cơ điezen, còn các xã vùng ven thì hầu như khá tách biệt bởi đường sá gập ghềnh trắc trở, bên cạnh đó lực lượng Fulrô, phản động vẫn còn lén lút hoạt động quấy phá. Nơi xây dựng thủy điện Đray H’linh cách Buôn Ma Thuột chẳng bao xa nhưng lúc đó vẫn hoang vắng giữa Tây Nguyên bạt ngàn cây cối, vừa là một ổ dịch bệnh sốt rét nguy hiểm, vừa khí hậu khắc nghiệt, nhất là vào các tháng mùa khô và thời kỳ giao mùa. Khu vực thuộc địa bàn các xã Hòa Xuân, Hòa Khánh, Hòa Phú còn là những khu đồi hoang vu với những con đường mòn chìm lút trong cỏ dại, dân cư thưa thớt. Xã Hòa Xuân ban đầu chỉ có 3 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ sinh sống với lối sản xuất tự cung tự cấp từ bao đời, một số ít công nhân Nông trường mía đường Đray H’linh và Trạm lúa giống Hòa Xuân và một số hộ đi kinh tế mới đến. Có thể nói, xây dựng cuộc sống mới từ con số không: không điện, không đường, không trạm y tế, không trụ sở làm việc, chỉ có 1 trường cấp 1-2 với vài phòng học tạm bợ, thưa vắng học sinh, xã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Vừa khai phá đất hoang để sản xuất, vừa giữ gìn an ninh trật tự, ổn định tình hình để người dân yên tâm làm ăn sinh sống, biến đất trống đồi trọc, sình lầy thành những vườn tiêu, cà phê phê bạt ngàn, những cánh đồng màu mỡ… là cả một quá trình gian nan đẫm mồ hôi công sức của những người đứng mũi chịu sào cùng người dân nơi đây.

Sự thiếu thốn, tạm bợ về hạ tầng cũng là tình trạng chung của nhiều xã vùng ven thời bấy giờ, vô hình trung tạo khoảng cách khá xa với vùng trung tâm. Mặc dù sau những lần điều chỉnh địa giới hành chính, chia tách tỉnh, khu vực vùng ven đã thu hẹp hơn cả về diện tích và số xã, tuy vậy đời sống sinh hoạt nói chung vẫn còn khó khăn. Dù khoảng cách địa lý không xa lắm, nhưng nhiều năm về trước, đường từ trung tâm về các xã như Hòa Xuân, Ea Kao, Cư Êbur… vẫn khiến nhiều người ngần ngại.

Cảm nhận được những gian nan vất vả thuở ấy, mới thêm trân trọng những gì thành phố đã đạt được hôm nay. Đi trên các con đường nhựa phẳng lỳ từ nội ô tỏa về các hướng, đến tận từng thôn buôn sáng rực ánh điện khi đêm về, nếu không có biển chỉ giới thì khó phân biệt được các vùng trên địa bàn thành phố. Sau khi được công nhận là thành phố vào năm 1995, đô thị  loại II vào năm 2005, đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2010, Buôn Ma Thuột như có cuộc lột xác thần kỳ. Bước phát triển đồng bộ đã kéo xích gần khoảng cách giữa các vùng của thành phố. 

Có được những thành quả hôm nay, hơn cả, đó là sự đồng thuận của chính quyền và người dân trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới. Vì thế mà các chủ trương vì mục tiêu dân sinh như giải tỏa không đền bù để làm mới, mở rộng, nâng cấp đường nội vùng, xây dựng trụ sở, trường học, hệ thống điện sinh hoạt… đều nhanh chóng được hiện thực hóa, nên đến hôm nay tất cả các xã phường trên địa bàn thành phố đều bảo đảm các tiêu chuẩn cơ bản về hạ tầng cơ sở, hướng đến mục tiêu an sinh xã hội ngày càng tốt hơn. “Đất lành chim đậu”, thành phố đang là vùng đất có nhiều người dân từ khắp mọi miền đến làm ăn sinh sống. Với tỷ lệ hơn 35% dân số, hơn 73% diện tích toàn thành phố, với những thế mạnh đặc thù, 8 xã vùng ven thực sự là lực đẩy cho sự phát triển của đô thị trẻ: xã Hòa Phú với khu công nghiệp Hòa Phú trở thành điểm nhấn công nghiệp cho thành phố, kéo theo sự phát triển về dịch vụ của địa phương, làm thay đổi bộ mặt của cửa ngõ phía nam thành phố; xã Ea Kao là điểm nhấn trong nông nghiệp với cánh đồng mẫu lúa nước đầu tiên ở Tây Nguyên, xã Hòa Xuân với Trại lúa giống Hòa Xuân khảo nghiệm và cung ứng giống lúa mới; xã Hòa Thuận là trung tâm chăn nuôi của thành phố với những trang trại chăn nuôi theo quy mô công nghiệp; xã Hòa Thắng với Cảng hàng không Buôn Ma Thuột đứng chân trên địa bàn có một vị trí quan trọng trong mạng lưới giao thông…

Nhằm phát huy mạnh hơn nữa những thế mạnh của các xã vùng ven, thành phố đã và đang đẩy mạnh việc đầu tư, nhất là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Chỉ trong 3 năm trở lại đây, thành phố đã huy động mọi nguồn lực cùng nhân dân đóng góp hơn 370 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Đến nay có 3 xã đã đạt được 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, một số xã đang phấn đấu để đạt trong năm 2016 và những năm tới với những giải pháp cụ thể. Thành phố tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án mục tiêu trên địa bàn các xã vùng ven, tạo tiền đề để Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Hoa Hồng


Ý kiến bạn đọc