Multimedia Đọc Báo in

Hết lòng vì cộng đồng

09:19, 30/12/2016

Dù ở những vị trí công tác khác nhau nhưng với sự tận tâm trong công việc, nhiều người đã nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đem lại điều hữu ích cho cộng đồng.

Ấm lòng Mẹ

Trên địa bàn tỉnh hiện có 57 Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) còn sống thì tất cả các Mẹ đều đã được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (gọi chung là đơn vị) nhận phụng dưỡng, với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng/Mẹ. 

Chủ trương nhận phụng dưỡng, chăm sóc Mẹ VNAH được triển khai rộng rãi nhiều năm qua, tuy nhiên hiệu quả không cao. Xuất phát từ thực tế đó, năm 2016 Phòng Người có công tham mưu cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) một cách làm mới, cùng với gửi văn bản đề nghị, cử nhân viên trực tiếp đến từng đơn vị để vận động nhận chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ VNAH.

Anh Lê Hải Lý, Trưởng Phòng Người có công cho biết, ban đầu các đơn vị còn ngần ngại bởi trách nhiệm cao nhưng khi nghe cán bộ chính sách phân tích thấu tình đạt lý họ đã hưởng ứng nhiệt tình; thậm chí có đơn vị nhận phụng dưỡng hai Mẹ.

Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí miền Trung nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Mới  (thôn 2, xã Cư K'ty, huyện Krông Bông).
Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí miền Trung nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Mới (thôn 2, xã Cư K'ty, huyện Krông Bông).

Các đơn vị còn tổ chức Lễ nhận phụng dưỡng, chăm sóc Mẹ VNAH trang trọng, ấm cúng với sự tham gia của lãnh đạo địa phương, các tổ chức đoàn thể. Không chỉ hỗ trợ tiền mặt 1 triệu đồng/tháng, nhiều đơn vị còn tặng sổ tiết kiệm, giúp xây dựng, sửa chữa nhà ở, mua sắm phương tiện sinh hoạt, thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc Mẹ khi trái gió trở trời. Mẹ Nguyễn Thị Tùng (SN 1929) có chồng và con gái là liệt sỹ vừa được Viễn thông Đắk Lắk nhận phụng dưỡng. Mẹ xúc động nói: “Mẹ già rồi không tiêu hết số tiền hằng tháng các con biếu, nhưng những lúc ốm đau ngoài người thân, chính quyền địa phương, mẹ có thêm các con bên cạnh”.

Anh Lê Hải Lý cho biết thêm, phong trào phụng dưỡng Mẹ VNAH là sự tri ân của cộng đồng, trong đó có những người làm công tác chính sách đối với  Mẹ VNAH. Các mẹ mất chồng, mất con, nhưng được bù đắp bằng tình cảm ân cần, tận tâm của hàng chục, hàng trăm người con đến từ các đơn vị nhận phụng dưỡng. “Thương binh, bệnh binh nặng cũng là đối tượng đang chịu nhiều thiệt thòi, năm 2017 Phòng Người có công sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở LĐ-TBXH đề nghị các đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc”, anh Lý nói.

Vì học sinh thân yêu

Năm 2007, tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo nhà trẻ Hà Nội, cô giáo Phạm Thị Hanh về nhận công tác tại Trường Mầm non Cư Đliê M’nông (xã Cư Đliê M’nông, huyện Cư M’gar).

Với suy nghĩ “Mình thương yêu trẻ thế nào thì các cháu sẽ quý mến mình như thế đó”, cô giáo Hanh dành trọn tâm sức chăm lo cho các bé từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy dỗ học hành, vui chơi. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên mầm non làm việc 8 giờ/ngày, trong đó 2 giờ chuẩn bị đồ dùng học tập, 6 giờ đứng lớp, tuy nhiên cô giáo Hanh luôn có mặt ở trường từ sáng sớm để đón trẻ và về nhà khi trời sẩm tối.

Vất vả, mệt nhọc, nhưng với lòng yêu nghề mến trẻ, biết cách sắp xếp công việc phù hợp, cô giáo Hanh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được học sinh, các bậc phụ huynh tin yêu, quý mến. Trong chuyên môn cô Hanh có nhiều sáng kiến về cách truyền thụ kiến thức, nuôi dưỡng để trẻ phát triển toàn diện. Mới đây, cô có sáng kiến trong nuôi dưỡng nhằm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi và đã được nhân rộng trong phạm vi toàn trường. Cô Hanh chia sẻ: “Tôi đã tham mưu cho Ban giám hiệu chỉ đạo bộ phận cấp dưỡng thường xuyên thay đổi các món ăn, đặc biệt trước mỗi bữa ăn, giáo viên phải giới thiệu cho các cháu về các món ăn, về tác dụng của món ăn đó đối với cơ thể. Với cách giới thiệu hài hước, dí dỏm các bé rất háo hức đón nhận và ăn hết khẩu phần ăn của mình”. Nhờ sáng kiến này mà cân nặng, chiều cao của nhiều cháu đã được cải thiện so với đầu năm học. “Nghề nuôi dạy trẻ tất bật suốt cả ngày, nhưng mỗi ngày đến lớp được nhìn thấy các em chơi đùa, ham học hỏi và biết thêm một kỹ năng thì những mệt nhọc, áp lực đều tiêu tan”, cô Hanh trải lòng.

Cô giáo Lý Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: “Cô Hanh rất năng nổ, nhiệt tình, tận tâm với công việc, có nhiều sáng kiến trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Gắn bó với nghề mới 8 năm, nhưng liên tiếp 4 năm học cô Hanh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Mới đây, cô Hanh là một trong 5 giáo viên của tỉnh Đắk Lắk vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen Nhà giáo Xuất sắc năm 2016”.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc