Cho nẻo về tươi sáng
Trại giam Đắk Trung (thuộc Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an, đứng chân trên địa bàn huyện Cư M’gar) hiện đang giam giữ khoảng 1.300 phạm nhân.
Phần lớn phạm nhân là tội phạm nghiêm trọng, nguy hiểm, tái phạm nhiều lần, nhưng nay họ cùng ý nguyện hướng thiện, mong sớm trở về với người thân, trở thành người sống có ích cho gia đình, xã hội. Đó là kết quả của những chuỗi ngày vất vả, vượt khó, tận tụy, gắn bó để cảm hoá những con người lầm lỗi của cán bộ chiến sĩ nơi đây.
Theo Đại tá Lê Trọng Ngà, Phó Giám thị Trại giam Đắk Trung, cảm hóa phạm nhân là việc không đơn giản mà phải biết cách nắm bắt tâm lý của phạm nhân để có biện pháp giáo dục thích hợp, giúp họ thấy được những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, từ đó có động lực, quyết tâm làm lại cuộc đời.
Phương châm của Ban Giám thị Trại giam Đắk Trung là cảm hóa giáo dục phạm nhân bằng tình thương, trách nhiệm. Ngoài việc thực hiện đầy đủ các chế độ theo quy định đối với phạm nhân, Trại còn tổ chức dạy nghề, dạy học xóa mù chữ, nâng cao trình độ kiến thức xã hội cho phạm nhân; sử dụng quỹ “tăng gia sản xuất” để cải thiện bữa ăn cho phạm. Đặc biệt, hằng năm trại đều tổ chức các chương trình “Ngày hội gia đình phạm nhân”, “Ngày viết thư xin lỗi gia đình phạm nhân”, “Thắp sáng niềm tin”... Cùng với đó, công tác xét giảm án và đặc xá luôn được Trại chỉ đạo chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định, tạo động lực cho các phạm nhân phấn đấu cải tạo tốt. Trung tá Nguyễn Văn Minh, Đội trưởng Đội Giáo dục Hồ sơ, Trại giam Đắk Trung cho biết: Khi thực hiện xét giảm án, đặc xá đối với phạm nhân, Trại luôn bảo đảm các yếu tố công khai, khách quan, công bằng, không bỏ sót, không để lọt. Nhờ vậy, hầu hết các phạm nhân đều cố gắng cải tạo tốt, mong được giới thiệu xét duyệt giảm án để sớm trở lại với cuộc sống đời thường.
Quản giáo của Trại giam Đắk Trung dạy nghề cho phạm nhân. |
Đơn cử như trường hợp của phạm nhân Trần Minh C. (SN 1984, ở TP. Buôn Ma Thuột), đang chấp hành án 8 năm 6 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày mới vào chấp hành án ở Trại, do xấu hổ, mặc cảm, C. luôn có thái độ chán nản, tự ti, sống khép kín. Được sự gần gũi của cán bộ quản giáo, thường xuyên trò chuyện, tâm sự, động viên, C. đã dần ổn định tâm lý và có thái độ tích cực trong cải tạo, tham gia học nghề. Nhờ cải tạo tốt, hiện C. đang làm quản lý kho của khu xưởng đan và nằm trong danh sách những phạm nhân được trình xét giảm án trong đợt Quốc khánh 2-9 năm nay.
Có thể thấy, những việc làm cụ thể thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trại giam Đắk Trung đã làm thức tỉnh những người lầm lỗi, tạo động lực để họ cố gắng cải tạo. Bởi như lời phạm nhân Đỗ Thị Kim L. (SN 1971, phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, án phạt 20 năm tù) chia sẻ: “Lúc mới vào Trại, tôi rất chán nản, chỉ muốn buông xuôi tất cả. Tuy nhiên, được cán bộ Trại quan tâm, giúp đỡ, động viên, tôi cũng vượt qua được thời kỳ khó khăn đó và tích cực rèn luyện, học nghề với mong ước sau này trở lại cuộc sống làm một người có trách nhiệm với gia đình, xã hội”.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc