Multimedia Đọc Báo in

Vụ 3 cán bộ QLBVR bị hàng trăm lâm tặc vây đánh: Dân di cư tự do - mối lo đeo đẳng ở rừng Buôn Ja Wầm

11:45, 15/04/2011

Bức xúc vì bị ngăn cản, không cho… phá rừng, hàng trăm đối tượng đã tổ chức bao vây và dùng hung khí  tấn công lực lượng cán bộ quản lý bảo vệ rừng (QLBVR). Sự việc vừa mới xảy ra tại lâm phần quản lý của Lâm trường Buôn Ja Wầm (thuộc Công ty TNHH Một thành viên Buôn Ja Wầm) đứng chân trên địa bàn xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar..

Lâm tặc trả thù...
Sau 2 ngày bị “lâm tặc” vây đánh, đến chiều ngày 8-4, anh Trần Đình Thân, cán bộ QLBVR Lâm trường Buôn Ja Wầm vẫn chưa thể ngồi dậy được bởi đang phải mang thương tích khắp người. Theo kết luận của các bác sĩ, anh Thân bị đa chấn thương phần mềm, rạn nứt xương tay phải. Tương tự, và anh Lê Văn Hường (cùng đơn vị) cũng bị một vết dao đâm vào khuỷu tay phải và một vết rách ở đầu  sau trận “trả thù” có tổ chức của lâm tặc. Ngoài ra, anh Phạm Văn Truyền, cùng đơn vị anh Thân, cũng bị đánh đập xây xước khắp người.

Anh Hường (bên trái) và anh Truyền với nhiều vết thương trên người do lâm tặc tấn công.
Anh Hường (bên trái) và anh Truyền với nhiều vết thương trên người do lâm tặc tấn công.

Anh Lê Văn Chiên, cán bộ Trạm QLBVR số 1 của lâm trường, người chứng kiến sự việc từ đầu kể lại: “Khoảng 11 giờ ngày 6-4, tôi phát hiện 2 đối tượng đang phá rừng tại tiểu khu 547A. Chúng tôi đến ngăn chặn và tạm giữ 2 cây cuốc của họ. Một lúc sau thì thấy có đến chừng 30-40 người dân tộc Mông hùng hổ kéo đến trạm đập phá đồ đạc và dùng hung khí đuổi đánh, may mà tôi nhanh chân chạy thoát và kịp thời gọi điện về báo với lãnh đạo lâm trường. Các anh Thân, Hường, Truyền vừa đến nơi thì bị hàng trăm người bao vây, tấn công tới tấp. Trước tình thế đó, lãnh đạo công ty đã cử thêm người vào hỗ trợ, đồng thời trực tiếp vào hiện trường nhưng cũng không thể giải vây được bởi lúc này lực lượng của họ đã lên đến trên 100 người, bao gồm nhiều thành phần, kể cả người già, phụ nữ, trẻ con…. Mặc dù lúc này anh Thân bị đánh gục tại chỗ nhưng chúng vẫn bắt giữ mà không cho đưa đi cấp cứu. Thậm chí khi xe của lâm trường vào chở người đi cấp cứu thì có 3 đối tượng đã nằm ngay dưới lốp xe của Công ty không cho xe chạy. Mặc cho Công an xã Ea Kiết vào can thiệp, các đối tượng này vẫn bất chấp. Sự việc kéo dài mãi đến hơn 2 giờ sau mới tạm lắng, khi lực lượng Công an huyện vào đến giải quyết”.

Anh Hường vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: “Khi chúng tôi vào đến nơi thì ngay tức khắc có khoảng 30-40 người xông vào dùng gậy le, dao rựa đánh đập. Riêng tôi phải chống đỡ với ít nhất 15 người mang gậy gộc trên tay. Khi đánh chúng tôi gục xuống, những người này đã trói lại đòi mang về làng xử tội. Rất may là có lực lượng của Công ty vào kịp thời giải cứu đưa lên xe”. Theo anh Hường nhận định thì lâm tặc đã “lên kế hoạch” tấn công lực lượng từ trước. Bởi trước đó ít ngày cũng tại địa điểm này, lực lượng QLBVR đã bắt giữ đối tượng Lý Văn Tằng giao cho xã xử lý về hành vi phá rừng. Có lẽ vì vậy mà các đối tượng này mới… tổ chức trả thù!

Hiện trường xảy ra vụ việc.
Hiện trường xảy ra vụ việc.

Mối lo đeo đẳng của rừng
Ông Phạm Đình Tường, Giám đốc Lâm trường Buôn Ja Wầm, cho biết, toàn bộ số người vừa tấn công cán bộ QLBVR đều là đồng bào Mông di cư tự do hiện đang cư trú trái phép giữa rừng. Số  người này đã phá rừng lập làng tại các tiểu khu 540, 544 và 547A do lâm trường quản lý bảo vệ từ năm 1998. Từ đó đến nay, xung đột giữa họ với lực lượng QLBVR ở đây luôn diễn ra ngày càng gay gắt, và diện tích rừng ngày càng mất nhiều hơn. Hiện đã có ít nhất 200 ha rừng đã bị các hộ dân này “hóa kiếp” thành nương rẫy. Thậm chí, họ phá rừng lấy đất không phải vì thiếu đất sản xuất mà là để bán với giá tại thời điểm này là 40-50 triệu đồng/1 ha.

Ông Tường cho biết, trước tình trạng di dân tự do phá rừng lấn chiếm đất ồ ạt như vậy, từ năm 2008, UBND tỉnh đã quy hoạch 15 ha tại tiểu khu 550 thuộc địa bàn xã Ea Kiết để ổn định dân với số vốn đầu tư 18 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, tiến độ của dự án này chỉ mới đang ở giai đoạn san ủi mặt bằng. “Tiến độ của dự án là vậy, còn tiến độ di dân tự do vào rừng thì lại nhanh gấp bội. Nếu năm 2008, tại đây chỉ có 80 hộ thì 3 năm sau đã tăng lên hơn 150 hộ. Và dĩ nhiên, diện tích rừng bị mất cũng sẽ ngày càng tăng lên. Chúng tôi đã đổ máu, thậm chí đã có người phải bỏ mạng để giữ rừng. Nhưng nếu cứ thế này thì chắc chắn vẫn không thể giữ được rừng” - ông Tường bức xúc.

 

Việt Cường - Văn Lệ

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Thiết thực chăm lo cho người lao động
Cùng với việc bảo đảm việc làm, thu nhập, tổ chức công đoàn tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dành nhiều quan tâm để chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động, đặc biệt là các chính sách lao động nữ, các chương trình hỗ trợ về nhà ở.