Multimedia Đọc Báo in

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012:

Sẽ có nhiều thay đổi trong xu hướng chọn ngành

17:50, 08/02/2012

Nhiều chuyên gia tuyển sinh nhận định, kỳ tuyển sinh  ĐH, CĐ 2012 sắp tới sẽ có những thay đổi đáng chú ý trong xu thế chọn ngành của các thí sinh.

Học sinh khối lớp 12 trên địa bàn tỉnh Dak Lak tham  gia ngày Chương trình tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011
Học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh Dak Lak tham gia Chương trình tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011

Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học FPT cho biết đã tiến hành khảo sát hơn 20.000 học sinh lớp 12 trên toàn quốc-đối tượng chính sẽ tham gia thi ĐH, CĐ năm 2012.

Kết quả khảo sát cho thấy đã có những thay đổi khá lớn về xu hướng chọn ngành dự thi. Theo khảo sát này, khối ngành Kinh tế -Tài chính-Ngoại thương vẫn đang chiếm vị trí áp đảo với gần 60% học sinh được hỏi mong muốn đuợc học. Con số thay đổi lớn nhất phải nói đến khối ngành Tài chính -Ngân hàng. Nếu như năm 2011 số liệu khảo sát có 37% thí sinh có nguyện vọng theo học ngành này thì năm nay giảm xuống chỉ còn 23%. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Phong cho rằng, với quan điểm của cá nhân cũng như số liệu đến từ các doanh nghiệp tuyển dụng ở các định chế tài chính liên quan thì con số này vẫn là quá lớn, đồng thời dự báo tỷ lệ thất nghiệp rất cao ở khối ngành này trong vòng 5 năm tới. Vì vậy, các thí sinh cần thật sự cân nhắc khi lựa chọn theo học.

Nếu như sức hút đối với khối ngành Tài chính-Ngân hàng giảm đi thì một khối ngành khác sự hấp dẫn đã tăng lên là Du lịch-Khách sạn-Nhà hàng với lượng tăng từ khoảng dưới 10% lên gần 15% trong năm 2012. Ngoài ra, các khối ngành Công nghệ Thông tin - Điện tử Viễn thông cũng tăng nhẹ so với năm 2011.

Đáng buồn nhất, theo ông Nguyễn Xuân Phong vẫn là khối các ngành Khoa học cơ bản vì lượng thí sinh lựa chọn khối ngành này lại tiếp tục giảm mạnh, con số năm nay đã giảm chỉ còn dưới 1%.

Riêng về ngành Công nghệ Thông tin, ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech cho rằng: nhu cầu nhân lực về ngành này ngày càng cao và ổn định. Tuy nhiên có một thực trạng là hiện sự quan tâm và hiểu biết của xã hội về ngành này còn chưa đầy đủ. Hầu hết sinh viên tham gia học ngành này đều đến từ các thành phố lớn. Ngoài ra, còn một lượng lớn các em học sinh dù phù hợp với ngành Công nghệ Thông tin nhưng không lựa chọn vì chạy theo phong trào.

Thí sinh dự thi khối A Trường Đại học Tây Nguyên trao đổi về kết quả bài làm sau môn thi Toán
Thí sinh dự thi khối A Trường Đại học Tây Nguyên năm 2011 trao đổi về kết quả   bài làm các môn thi (Ảnh tư liệu)

Cũng về sự thay đổi trong xu hướng chọn ngành, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai (ĐHQG TP.CHM) cho biết, tỷ lệ thí sinh dự thi vào nhóm ngành kinh doanh năm 2011 đã giảm khá nhiều so với năm 2010. Nhóm ngành Công nghệ Thông tin cũng giảm số thí sinh đăng ký dự thi. Trong khi đó, nhóm ngành Y học lượng thí sinh dự thi năm 2011 lại tăng so với năm trước 1,2 lần. Nhóm ngành Chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống tăng 1,6 lần so với năm 2010. Ngoài ra, một số nhóm ngành có lượng thí sinh đăng kỳ dự thi tăng dần từ năm 2010 đến 2011 là Kế toán - Kiểm toán, Luật, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật điện, Điện tử và Viễn thông, Dịch vụ y tế...

Với tư cách một chuyên gia về tư vấn hướng nghiệp cũng như là đại diện cho doanh nghiệp hiện đang sử dụng rất nhiều lao động tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phong cho rằng, việc học và ôn thi hiệu quả, việc chuẩn bị tâm lý cho thi cử là rất quan trọng nhưng mới chỉ là “cần” chứ chưa “đủ”: “Các em nên dành thời gian đáng kể hơn nữa vào việc tìm hiểu ngành nghề, các môi trường mình chuẩn bị học tập. Các em có thể học rất tốt nhưng nếu không có sự lựa chọn ngành nghề chính xác sẽ dẫn đến lãng phí rất lớn về tiền bạc, thời gian, làm cuộc đời mình đi theo một hướng khác hẳn. Điều này cũng gây lãng phí lớn nếu các em chỉ lựa chọn ngành theo phong trào, không phù hợp với nhu cầu bản thân và xã hội”.

Thí sinh nên tìm hiểu trực tiếp những người đang công tác trong ngành để có dự báo về xu thế từng ngành nghề, không phải ngay tại thời điểm này mà là trong thời gian 5 đến 10 năm, thời điểm các thí sinh sẽ ra trường. Mỗi ngành đều có điểm hay, điểm dở, mỗi môi trường học tập đều có điểm tốt và điểm chưa tốt, các em cần tìm hiểu kỹ vì đây là việc vô cùng quan trọng.


NH (tổng hợp)

 
 


Ý kiến bạn đọc