Multimedia Đọc Báo in

Mối quan hệ thống nhất giữa vũ trụ với con người, nơi gặp gỡ nhận thức giữa hai nền văn minh Đông - Tây

20:42, 12/02/2011

Qua truyền thuyết, thần thoại của các dân tộc, ta biết từ thời tiền sử, loài người đã có ý thức tìm hiểu thế giới và tìm hiểu cả bản thân mình. Năng lực tư duy siêu phàm của con người đã tạo dựng nên các nền văn minh rực rỡ. Đồng thời, trong tiến trình nhận thức, con người lại nhận ra một sự thật: Cái khối lượng tri thức khổng lồ được tích lũy, so với cái chưa biết thì chẳng khác nào một giọt nước đem so với đại dương. Vì vậy, tìm hiểu, khám phá thế giới mãi mãi là một cuộc hành trình bất tận.

Các thành tựu nhận thức trước tiên phụ thuộc thể chất tiến hóa sinh học của con người, trong đó quan trọng nhất là bộ não đã được hoàn thiện. Mặt khác, thành tựu đó còn phụ thuộc nhiều yếu tố xã hội, ở đây các thành quả khoa học kỹ thuật giữ vai trò then chốt. Chính vì lẽ đó mà khoa học phương Tây đã có những đóng góp to lớn.

Khoa học phương Tây xác định vũ trụ được cấu tạo bởi vật chất và vật chất làm nên vũ trụ cũng chính là nguyên liệu làm nên cơ thể con người. Ngày nay, người ta đã đo đạc một cách chính xác thành phần và tỷ lệ các nguyên tố vật chất trong cơ thể người. Tính thống nhất giữa vũ trụ và con người được thể hiện sâu sắc hơn khi khám phá ra rằng mỗi vật thể trong vũ trụ đều có quy luật hoạt động riêng, nhưng giữa chúng lại có mối quan hệ gắn bó, tạo nên một vũ trụ hoạt động thống nhất, hài hòa đến kỳ lạ. Chẳng hạn, trong hệ mặt trời, các hoạt động của mặt trời, mặt trăng chi phối mạnh mẽ các hoạt động vật chất hữu cơ, vô cơ trên trái đất. Vậy, ai hoặc cái gì vô hình điều khiển quá trình này? Đối tượng ấy đã được khám phá và các nhà khoa học gọi tên nó bằng cái thuật ngữ “những lớp nhịp điệu”, “nhịp vũ trụ”, “nhịp thời gian”.

Từ vũ trụ, mặt trời, mặt trăng liên tục truyền xuống trái đất “nhịp điệu hoạt động” của chúng, khiến mọi vật thể trên trái đất đều ảnh hưởng theo.

Các con sông thay đổi dòng chảy theo ánh sáng mặt trăng, các đại dương thay đổi các đợt sóng theo sự mọc và lặn của mặt trăng. Các đợt “triều lên” không chỉ bao gồm nước của biển cả và đại dương mà còn cả lớp không khí của trái đất, các lớp vỏ cứng trái đất (thạch quyển) cũng có hiện tượng “triều lên – xuống” và hiện tượng này cũng diễn ra trong sinh thể con người và sinh vật.

 

Nhiều nhịp điệu có chu kỳ khác nhau diễn ra trong cơ thể người: Chu kỳ ngắn nhất từ vài phần giây đến vài giây, như tần số của những dòng điện sinh vật, nhịp tim, nhịp thở, sóng điện não… Chu kỳ kéo dài từ vài chục phút tới vài giờ, như chức năng của thận, của máu và hoạt động từ não.

Nhịp điệu cỡ ngày đêm (24 giờ), rất phổ biến, có hơn 40 quá trình sinh học, như nhịp điệu thân nhiệt, nhịp điệu của tim, nhịp điệu trí tuệ, sự biến đổi thành phần của máu… Có những nhịp điệu dài hơn 24 giờ, như nhịp điệu tháng, năm… Mặt trời quay một vòng quanh trục mất 27,3 ngày. Mặt trăng quay quanh trái đất mất 29,5 ngày. Điều đó cho ta liên hệ tới nhiều chu kỳ hoạt động sinh vật trên trái đất, điển hình là chu kỳ rụng buồng trứng, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, nhịp điệu sinh lý – thụ thai của con người và chu kỳ động đực của động vật.

Dưới tác dụng sức hút của mặt trăng, trong cơ thể con người cũng diễn ra thủy triều sinh học. Sự ion hóa của khí quyển, hoặc sự biến động về từ trường trái đất đều lệ thuộc vào các pha của mặt trăng. Các quan sát, thống kê, đối chiếu cho thấy con số các rối loạn tâm lý, trạng thái sinh lý mạnh mẽ đều tăng vọt vào đầu và giữa tuần trăng, trong khi những biểu hiện về trạng thái thần kinh não, tim mạch lại chịu tác dụng mạnh mẽ bởi chu kỳ quay của mặt trời, ấy là lúc dễ xảy ra tai biến cho con người.

Những nhịp điệu có chu kỳ lớn, như: chu kỳ 11 năm, 18,6 năm, 176,77 năm… Mỗi lần xuất hiện chu kỳ này, bề mặt trái đất chịu những dòng bức xạ vô cùng lớn, khí quyển bị nhiễu loạn, lực từ trường bị thay đổi, bão từ xuất hiện, cường độ các tia vũ trụ thay đổi, sự tuần hoàn của khí quyển, lưu lượng nước các sông hồ, cả những dòng nước ngầm trong lòng đất cũng bị thay đổi.

Như vậy, nhịp điệu sinh học trên trái đất có nguồn gốc từ nhịp điệu vũ trụ, những ảnh hưởng của mặt trời, mặt trăng là yếu tố chủ yếu, trực tiếp.

Thật thú vị khi ta biết rằng những nội dung trên đây đã được trí tuệ phương Đông tìm hiểu, khám phá từ ba bốn ngàn năm trước. Các thành tựu trí tuệ phương Đông thường được diễn đạt theo phong cách đặc thù của tư tưởng triết học vô ngôn, nên độ hàm súc của ngôn từ đã khiến cho hậu thế hàng mấy ngàn năm qua tốn không biết bao công sức mới vỡ vạc dần các lớp tri thức khoa học ẩn chứa trong đó. Để rồi, giờ đây giới khoa học phương Tây từ ngỡ ngàng đến kinh ngạc khi tiếp cận các ý tưởng thâm sâu, đặc biệt có những lĩnh vực khoa học ngày nay phương Tây mới khám phá thì trí tuệ phương Đông đã biết, đã bàn luận về nó từ xửa từ xưa. Chính những thành tựu khoa học ngày nay đã xác nhận tính đúng đắn của các ý tưởng khoa học của người phương Đông xưa. Trí tuệ Đông – Tây đã gặp nhau, một cuộc hội ngộ kỳ diệu mà hoa trái của nó là nền văn minh ngày nay.

Nhân ngày Xuân, xin bạn hãy bớt chút thì giờ để lật vài trang cảo thơm cổ phương Đông, rồi mới cảm nhận được độ thâm sâu của trí tuệ tiền nhân.

Quan niệm vật chất làm nên vũ trụ và mối quan hệ thống nhất giữa vũ trụ với con người của  khoa học phương Tây được trí tuệ cổ phương Đông diễn đạt theo phong cách riêng của mình, chỉ trong một câu tuyệt chiêu “Con người là một tiểu vũ trụ”. Từ vũ trụ quan rất tiến bộ này, người xưa cho rằng vũ trụ có hai cái vô cùng: không gian vô cùng, thời gian vô tận. Trong cái vô cùng, vô tận ấy có hai khí âm – dương giao hòa nhau. Âm – dương là hai từ của một khái niệm biểu thị hai yếu tố cùng tồn tại, độc lập, tương phản, nhưng lại hòa đồng, lồng vào nhau mà không triệt tiêu nhau để sinh biến. Âm – dương có trong tất cả các hiện tượng, nó luôn vận động để sinh ra vạn vật, sinh ra năm chất cơ bản (ngũ hành) làm nên vũ trụ. Ngũ hành gồm: Mộc (gỗ, cây, cỏ); Hỏa (lửa, hơi nóng, ánh sáng); Thổ (đất, đá, các khoáng vật); Kim (vàng, các kim loại); Thủy (nước, chất lỏng, hơi nước).

Cuộc trùng phùng khoa học sau đây thật là hy hữu: Nicôlai Côpecnic (khoảng năm 1.500 sau công nguyên) tìm thấy nguyên tố vũ trụ đầu tiên là H2O (nước), trên sao Thủy. Và theo Kinh Dịch, một Thiên cổ kỳ thư, thì vua Phục Hy thuộc triều đại nhà Hạ (2205-1766 trước CN) đã tìm thấy vật chất nằm ở hành Thủy (sao Thủy).

Còn về mối quan hệ giữa vũ trụ với con người, ở trên chúng tôi đã trình bày quan niệm của phương Tây, nên dưới đây chúng tôi xin giới thiệu vắn tắt quan niệm vô cùng sâu sắc và độc đáo của văn minh phương Đông.

Từ 2.500 năm trước, người Trung Hoa có sách Nội kinh tố vấn trình bày Học thuyết vận khí dựa trên thuyết âm – dương, ngũ hành. Sách nghiên cứu kỹ trời – đất (vũ trụ) để đưa ra phép tính dự đoán về thời tiết, khí hậu và đặc tính bệnh tật của mỗi năm theo quy luật sinh – khắc, chế hóa âm – dương, ngũ hành. Sách đưa ra triết lý Vạn vật đồng nhất thể, vũ trụ là một. Kết quả của sự tính toán thật tài tình. Chỉ bằng khái niệm thời khắc, đã tính được một năm gồm 365 ngày ¼. Không gian có 8 phương hướng, cơ thể người có 8 loại mạch. Trời có 10 thiên can, người có 10 đường kinh chính. Do vậy, sinh lý con người có quan hệ mật thiết với khí hậu, thời tiết. Khí hậu, thời tiết biến động thì thường phát sinh bệnh tật. Thậm chí khí hậu còn là nhân tố cấu trúc thành hình thể, tính cách người. Từ đó, người xưa có thời lịch châm cứu trị cho từng bệnh vào những thời điểm nhất định của một ngày đêm. Các lương y giỏi cũng định giờ uống thuốc cho từng loại bệnh…

Sẽ là một thiếu sót lớn nếu đến đây chúng tôi không trở lại với Thiên cổ kỳ thư Kinh Dịch. Kinh Dịch của người Trung Hoa chứa đựng tri thức muôn mặt hàng ngàn năm thời cổ đại. Điều quan trọng để Kinh Dịch bất tử là ở chỗ cái ẩn chứa đằng sau tầng tầng, lớp lớp tri thức ấy là một phương pháp nhận thức làm cơ sở cho các tri thức. Kinh Dịch thấy được mối liên hệ phổ biến giữa các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan, bất kỳ là hiện tượng sự vật gì cũng đều tương tác với nhau và với bên ngoài, rồi sinh biến. Các yếu tố biện chứng chất phác đã phôi thai từ Kinh Dịch. Và ta cũng không hình dung hết độ uyên thâm của người xưa, bởi khoa học hiện đại vô cùng thích thú khi nhận thấy nhiều phát minh hôm nay lại được người xưa trình bày trong Kinh Dịch. Ví như, vào đầu thế kỷ 18, nhà toán học người Đức Leibnít (1646-1716) đã tìm ra phép tính nhị phân để đến thế kỷ 20 phép nhị phân được coi là nguyên lý máy tính điện tử hiện đại. Thật ra, phép nhị phân kỳ diệu này đã được thể hiện một cách tài tình trong một bản vẽ hình tròn, gọi là Tiên thiên đồ Chu dịch, vào thế kỷ thứ 10. Tiên thiên đồ chu dịch là tiền thân của máy tính điện tử hiện đại, xứng đáng được tôn vinh là một kỳ tích trong lịch sử văn hóa thế giới.

Quả thật, trí tuệ hiện đại văn minh phương Tây đã gặp gỡ trí tuệ cổ đại phương Đông và sự gặp gỡ kỳ diệu này làm nên nền văn minh nhân loại.

 

Nguyễn Trúc

 


Ý kiến bạn đọc