Huyện Ea H'leo: Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống bệnh dại
Trước tình hình liên tiếp ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại, ngành y tế huyện Ea H’leo đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trên địa bàn về phòng chống dịch bệnh này.
Người dân còn tâm lý chủ quan
Cuối tháng 3 vừa qua, bệnh nhân N.Đ.H. (20 tuổi, ở thôn 6B, xã Ea Wy) đã tử vong do bệnh dại. Theo lời kể của người nhà, trước đó khoảng một tháng, bệnh nhân bị chó nhà hàng xóm cắn ở kẽ ngón tay cái và ngón trỏ bàn tay bên phải. Hai ngày sau, con chó bị chết nhưng bệnh nhân không đi tiêm vắc xin phòng dại. Ngày 20-3, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, ăn uống kém, biểu hiện sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng, sau đó tử vong với chẩn đoán bệnh dại lên cơn, nhiễm trùng không rõ tiêu điểm.
Đây là trường hợp thứ hai trên địa bàn huyện Ea H’leo tử vong do bệnh dại tính từ đầu năm đến nay. Bác sĩ Trần Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ea H’leo cho biết, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn liên tục ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại. Nếu như năm 2018, 2019, mỗi năm chỉ ghi nhận một trường hợp, thì năm 2020 đã xuất hiện hai trường hợp tử vong do bệnh dại. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2021, mặc dù chưa phải là thời điểm bùng phát của dịch bệnh nhưng đã ghi nhận hai trường hợp tử vong do bệnh dại. Đáng nói, cả 6 trường hợp tử vong do bệnh dại nói trên đều không tiêm vắc xin phòng bệnh sau khi bị chó, mèo cào cắn.
Cán bộ Trạm Y tế xã Ea Wy (huyện Ea H'leo) tuyên truyền cho người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng ngừa. |
Trên thực tế, một con chó mang vi rút dại có thể di chuyển được vài chục cây số từ khi phát hiện bệnh đến khi chết. Trong quá trình di chuyển đó, nó có thể điên cuồng cắn và truyền bệnh cho bất cứ ai hoặc con vật nào gặp trên đường. Có những con chó chỉ bỏ ăn, nằm một chỗ nhưng chỉ cần nước dãi của nó tiếp xúc với vết trầy xước trên cơ thể người đều có thể lây nhiễm. Trong khi đó, theo bác sĩ Trần Anh Dũng, đa số người dân trên địa bàn đều có tâm lý chủ quan, cứ nghĩ chó nhà nuôi hoặc chó hàng xóm thì sẽ không có vấn đề gì đáng lo ngại nên ít khi quan tâm đến việc tiêm phòng cho chó, và khi bị chó cào, cắn cũng chủ quan không đến cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng bệnh, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức
Bác sĩ Trần Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ea H’leo cho biết, một trong những khó khăn trong công tác phòng chống bệnh dại trên địa bàn huyện là Trung tâm chưa có phòng tiêm chủng vắc xin dịch vụ. Vì thế, khi người dân bị chó, mèo cào cắn cần tiêm phòng phải tìm đến cơ sở y tế tư nhân, hoặc lên tuyến trên.
|
Mỗi khi tiếp nhận thông tin về các trường hợp tử vong do bệnh dại trên địa bàn, Trung tâm Y tế huyện Ea H’leo đều kịp thời tổ chức xuống địa bàn giám sát, điều tra ca bệnh và xác định vùng nguy cơ véc tơ, từ đó phối hợp với chính quyền địa phương, trạm thú y triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại, vận động người dân chủ động thực hiện tiêm phòng cho đàn chó nuôi để phòng ngừa nguy cơ chó mắc bệnh dại truyền bệnh cho người.
Cùng với đó, chỉ đạo các trạm y tế tham mưu cho UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, tổ chức rà soát, thống kê số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư, lập sổ theo dõi hộ nuôi chó và số lượng chó nuôi trong từng hộ nhằm hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin dại triệt để trên đàn chó; yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, chấp hành việc xích, nhốt và tiêm phòng vắc xin dại cho chó nuôi theo đúng quy định. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, hộ gia đình về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại và các biện pháp phòng chống.
Với sự tuyên truyền thường xuyên, liên tục của cán bộ y tế, người dân trên địa bàn huyện đã bước đầu thay đổi nhận thức về loại bệnh này. Chị Hoàng Thị Hảo, người dân ở thôn 6B, xã Ea Wy chia sẻ: "Trước đây tôi cứ nghĩ chó nhà mình nuôi có cào, cắn cũng không sao, nhưng sau khi xảy ra vụ việc người hàng xóm bị chó nhà cắn, dẫn đến phát dại và tử vong, lại được cán bộ y tế đến tuyên truyền, tôi đã biết được dù chó nhà nuôi hay chó ngoài đường đều nguy hiểm như nhau. Do đó, tôi lập tức mang chó đi tiêm vắc xin phòng dại và bản thân cũng nâng cao cảnh giác luôn nhắc nhở mọi người trong gia đình nếu bị chó cào, cắn thì phải thông báo ngay để được đưa đi tiêm vắc xin phòng dại kịp thời". Còn bà Đàm Thị Oanh, cũng ở thôn 6B, xã Ea Wy bộc bạch, những năm trước khi bị chó cắn người dân trong thôn không bao giờ đi tiêm vắc xin mà chỉ đi lấy thuốc về đắp. Giờ nghe cán bộ y tế phân tích, hướng dẫn cụ thể về sự nguy hiểm của bệnh dại, bà sẽ nhắc nhở con cháu mang chó đi tiêm vắc xin phòng dại...
Khánh Chi
Ý kiến bạn đọc