Multimedia Đọc Báo in

Đàn Âm hồn Huế - “Đài tưởng niệm liệt sĩ” cấp quốc gia đầu tiên ở nước ta

06:00, 03/08/2012

Trong quần thể di tích văn hóa lịch sử cố đô Huế còn lưu giữ đến ngày nay, có ba “Đàn tế” được nhà Nguyễn lập nên để phục vụ cho việc tế lễ của triều đình. Đó là: Đàn Nam giao để tế trời, Đàn Xã tắc để tế đất và Đàn Âm hồn để tế vong linh những người hy sinh vì nước trong ngày kinh thành thất thủ đêm 4 rạng ngày 5-7-1885 (ngày 23-5 Ất Dậu). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của các triều đại phong kiến Việt Nam, triều đình xây dựng một Đàn tế mang tính chất quốc gia để ghi ơn và vinh danh những người đã vì nước hy sinh.

Lễ tế vong linh tủ sỹ ngày thất thủ kinh đô.
Lễ tế vong linh tử sĩ  ngày thất thủ kinh đô.

Sự kiện thất thủ kinh thành Huế năm Ất Dậu 1885 là một trang sử bi thương uất hận của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp để bảo vệ chủ quyền đất nước những năm cuối thế kỷ XIX. Thực chất đến năm 1885, sau Hòa ước Quý Mùi (1883) và Hòa ước Giáp Thân (1884), do sự nhu nhược của vua Tự Đức, thực dân Pháp gần như đã đặt ách thống trị lên khắp nước ta. Thế nhưng dã tâm của bọn thực dân không dừng lại ở đó, chúng muốn khống chế luôn cả triều đình nên đã đưa ra những điều kiện hết sức ngang ngược như: đòi triều đình Huế trong vòng 3 ngày phải nộp đủ tiền bồi thường chiến phí 200.000 thỏi vàng, 200.000 thỏi bạc, 200.000 quan tiền và mở cửa chính Ngọ Môn để đón Khâm sứ Pháp vào Điện Thái Hòa, vua Hàm Nghi phải xuống ngai tiếp sứ thần Pháp... Đây là sự miệt thị xúc phạm lớn đến uy quyền của vương triều Nguyễn đồng thời là nỗi nhục quốc thể nên triều đình Huế đã không thể chấp nhận. Đặc biệt là phái chủ chiến của triều đình Huế, đứng đầu là Phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết. Ông đã liên lạc với phong trào Văn thân chống Pháp, huấn luyện binh sĩ, tích trữ súng đạn, lập chiến khu Tân Sở - một kinh thành thứ 2 ở Quảng Trị, chuẩn bị cho công cuộc chống Pháp lâu dài. Thế nhưng tình thế bức bách trước sự láo xược trắng trợn của thực dân Pháp, Tôn Thất Thuyết đã quyết định tấn công phủ đầu trước. Vào đêm ngày 22, rạng sáng ngày 23-5 năm Ất Dậu (ngày 4 – 5-7-1885), Tôn Thất Thuyết đã chỉ huy cuộc tấn công quân Pháp ở đồn Mang Cá và Tòa Khâm sứ. Do bị bất ngờ nên quân Pháp hoảng loạn, nháo nhác. Đến sáng chúng bắt đầu mở cuộc phản công, quân ta chiến đấu oanh liệt nhưng do vũ khí lạc hậu, thô sơ nên thất bại. Quân Pháp đánh chiếm Kinh thành Huế, khi xông vào bọn chúng gặp ai giết nấy, đốt phá, cướp giật và hãm hiếp, tiếng khóc vang trời dậy đất. Ngày 23-5 năm Ất Dậu 1885, Kinh đô Huế chìm trong máu lửa, đổ nát, tang thương, hằng chục ngàn binh lính, người dân chết và bị thương. Sự chiến đấu quên mình của Phấn Nghĩa triều đình trong đêm kinh thành thất thủ đã được nhà truyền giáo H. De Pirey ghi lại bài “Một thủ đô phù du: Tân Sở” (đăng trong Tập san “Những người bạn cố đô, Tập I, năm 1914”, NXB Thuận Hóa, tr.224): “…Quân triều đình ước chừng 3 vạn (?) nhưng vũ khí quá thô sơ toàn gươm giáo mác để cận chiến. Dẫu vậy, quân Phấn Nghĩa vẫn gan dạ chiến đấu, bỏ mình vô số và đành rút lui cố thủ trong Đại Nội. Cuối cùng, ông Thuyết quyết định đưa triều đình kể cả Lưỡng Tôn Cung theo cửa Chương Đức rồi theo cửa Hữu xuất giá ra khỏi kinh thành... Sau đó ông Thuyết đưa vua lên Tân Sở, kết hợp với các lãnh tụ Văn Thân, ban hịch Cần Vương, kêu gọi toàn dân đánh Pháp…”

Sự kiện kinh đô thất thủ, ngay sau đó cũng được người dân Huế mô tả cặn kẽ, chi tiết trong  bài “Vè thất thủ Kinh đô”, bài vè này gồm 1850 câu, kể lại toàn bộ biến cố Thất thủ Kinh đô năm Ất Dậu:

…Từ ngày Thất thủ Kinh đô

Tây giăng dây thép, họa đồ nước Nam

Lên dinh tớ ở Tòa Khâm

Chén cơm âm phủ, áo dầm mồ hôi…

 Để tưởng nhớ những người đã vong trận trong đêm kinh thành thất thủ, người dân xứ Huế đã tự phát lập nên rất nhiều miếu thờ vong linh các tử sĩ và oan hồn những người dân vô tội như miếu Âm hồn làng Phú Xuân, Phú Nhơn, Vĩnh An, Thuận Cát...Mãi đến năm 1894,  gần 10 năm sau sự kiện kinh đô thất thủ, vua Thành Thái, một vị vua yêu nước mới quyết định xây dựng Đàn Âm hồn để hằng năm đến ngày 23-5 tế lễ vong linh các chiến sĩ tử trận.

Đàn Âm Hồn được xây dựng  lộ thiên trên một diện tích gần 1.500 m2 ở phường Huệ An gần cửa Nhà Đồ (nay là 73 Ông Ích Khiêm, phường Thuận Hòa, Huế). Lúc đầu Đàn được đắp bằng đất, sau được trùng tu bằng gạch, bên trên xây  ngôi đền trong đó có đặt bài vị ghi danh các chiến sĩ đã hy sinh trong ngày kinh đô thất thủ, sau dựng thêm căn nhà ba gian  bên cạnh để cất giữ đồ cúng tế. Hằng năm, cứ đến ngày kinh đô thất thủ 23-5 âm lịch, triều đình lại tổ chức tế lễ với qui mô rất hoành tráng do Ty Lý Thiện phụ trách và quan Đề đốc Hộ thành đứng chủ lễ. Sau đó các địa phương trong kinh thành tổ chức cúng tế ở miếu âm hồn của làng mình. Việc tế lễ của triều đình chỉ chấm dứt sau năm 1945, nhưng với các thôn làng trong thành phố Huế thì vẫn duy trì và trở thành một lễ tế cộng đồng mang tính nhân văn sâu sắc nhất ở cố đô hiện nay.

Trải qua rất nhiều biến thiên của lịch sử, hiện nay Đàn Âm hồn Huế gần như đã trở thành phế tích. Nhưng trong lòng người dân cố đô, Đàn Âm hồn Huế vẫn mãi là tượng đài ghi ơn những chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến bảo vệ kinh thành Huế. Trên bình diện lịch sử, Đàn Âm hồn Huế thực sự là Đài tưởng niệm liệt sĩ cấp quốc gia đầu tiên ở nước ta, biểu trưng cho tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ XIX.

Ngô Minh Thuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.