Multimedia Đọc Báo in

Ấn tượng “Mùa thu cao nguyên”

10:01, 12/08/2013

Những ngày đầu tháng 8, công chúng yêu nghệ thuật lại có dịp thưởng thức một loạt tác phẩm mỹ thuật mang âm hưởng, cảnh sắc, con người và thiên nhiên vùng đất Tây Nguyên. Đến với triểm lãm “Mùa thu cao nguyên” lần này, người xem vừa được chiêm nghiệm, vừa suy ngẫm về vẻ đẹp của những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống đương đại.

Tác phẩm “Quái xế” thu hút đông đảo người xem.
Tác phẩm “Quái xế” thu hút đông đảo người xem.

Triển lãm mỹ thuật "Mùa thu cao nguyên" lần thứ 5 (do CLB Mỹ thuật thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức) có 47 tác phẩm của 26 tác giả ghi lại những khoảnh khắc về hiện thực cuộc sống con người, núi rừng Tây Nguyên qua nhiều góc độ khác nhau. Đó là những tác phẩm có độ hoàn thiện về nghệ thuật, sự tìm tòi về ngôn ngữ thị giác và kỹ thuật biểu đạt hình ảnh. Với chất liệu đa dạng như: Sơn dầu, sơn mài, acrylic, in, sắt hàn, bột màu, khắc gỗ mộc bản... các tác phẩm được “trình làng” đã đem lại cho người thưởng lãm những cảm xúc đa chiều. Đó là vẻ đẹp chân chất, mộc mạc trong đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc, đến những mùa “ăn năm, uống tháng” và nét văn hóa tâm linh đầy bản sắc... được thể hiện dưới nét vẽ của các họa sĩ Trương Văn Linh, Thùy Giang, Lê Viết Sơn...; hay hình ảnh chân thực trong cuộc sống được cả xã hội quan tâm, để rồi người xem có thể chiêm nghiệm qua tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Nguyễn Tân. Có thể nói, sự phong phú về đề tài, đa dạng về phong cách trong triển lãm mỹ thuật lần thứ 5 là sự tìm kiếm, chắt lọc cũng như tình yêu cuộc sống của các họa sĩ thể hiện qua các tác phẩm tham dự.

Với mong muốn được giới thiệu con người, mảnh đất cao nguyên đầy nắng gió đến với công chúng yêu nghệ thuật, ngoài những tác phẩm về hình ảnh nhà sàn, con voi, nhịp chiêng, tiếng chày... của đồng bào dân tộc Êđê, tác giả Trương Văn Linh đã mang đến cho người xem một cuộc sống mới của bà con đồng bào các tỉnh phía Bắc đang từng ngày hòa mình vào dòng chảy văn hóa các dân tộc anh em cùng chung sống trên mảnh đất Tây Nguyên. Đó là hình ảnh ngôi nhà sàn, là đời sống sinh hoạt mang đậm bản sắc người Tày trong tác phẩm "Bản Tày Tây Nguyên"; là cuộc sống vui tươi, nhộn nhịp trong những ngày đầu xuân của người dân vùng cao ở "Xuân trên Bản"...

Đến với tác phẩm "Nhìn mặt trời lên" của họa sĩ Trần Thanh Long người xem cảm nhận được sự chuyển động của cuộc sống qua cách thể hiện bằng gam màu tối – sáng. Hình ảnh một người ngước mặt nhìn ngày mới đầy sôi động với cỏ cây hoa lá, con người di chuyển, phố phường nhộn nhịp thể hiện tình yêu cuộc sống mãnh liệt, dữ dội; đồng thời, như nhắc nhở mỗi người hãy tin yêu, trân trọng cuộc sống mình đang có. Có thể nói, sự kỳ công trong tác phẩm này không chỉ ở cách diễn đạt ngôn ngữ thị giác, mà ngay cả việc sử dụng chất liệu bằng khắc đồng cũng cho thấy sự tỉ mẩn của người họa sĩ yêu nghề. Họa sĩ Lê Vấn, Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật chia sẻ: “Qua 5 lần tham dự triển lãm thì lần này được đánh giá là thành công nhất kể cả chất lượng lẫn số lượng. Đây là một tín hiệu đáng mừng và là bước đệm tạo tiền đề cho những lần triển lãm tiếp theo. Điều đáng nói ở lần triển lãm này là các tác giả trẻ đã có nhiều cách tìm tòi để thể hiện, qua đó tay nghề của họ cũng được nâng lên rõ rệt”.

Một trong những ấn tượng mạnh đối với công chúng tham dự triển lãm lần này là các tác phẩm điêu khắc với chất liệu sắt hàn của họa sĩ Nguyễn Tân. Qua những mảnh sắt, thép vụn vỡ anh đã tạo cảm giác mạnh với người xem như tác phẩm "Chuồn chuồn ớt", "Quái xế" và "Chất bảo quản số 1". Không mang âm hưởng trữ tình, thơ mộng của con người, núi rừng Tây Nguyên mà những tác phẩm của anh phản ánh chân thực cuộc sống, từ việc sử dụng chất bảo quản để giữ tươi thực phẩm, bất chấp hậu quả tác động lên sức khỏe con người (hình ảnh quả táo bằng sắt hàn trong tác phẩm “Chất bảo quản số 1”); hay như việc tạo hình phế liệu của một chiếc xe máy trở thành một người bị trọng thương sau cuộc đua xe (Quái xế)… đã khiến người xem phải suy ngẫm. Một tác phẩm khác cũng được công chúng yêu nghệ thuật khá thích thú qua cách thể hiện bằng nghệ thuật sắp đặt tự giác của họa sĩ Lê Vấn. Đó là tác phẩm “Không đề”, kết quả sau nhiều lần trăn trở làm sao đưa vẻ đẹp của các hoa văn trên những tấm khăn, áo thổ cẩm vào mỹ thuật. Với cách thể hiện bằng không gian 3 chiều, người xem sẽ có cách nhìn nhận khác nhau khi thưởng lãm tác phẩm này.

Từ cách sử dụng gam màu, bố cục đến đường nét thể hiện tác phẩm, triển lãm mỹ thuật “Mùa thu cao nguyên” để lại trong lòng người xem những cảm nhận sâu sắc về không gian văn hóa, con người Tây Nguyên. Có thể nói, triển lãm là nơi hội ngộ, giao lưu của các họa sĩ chuyên và không chuyên trên địa bàn tỉnh; đồng thời đây cũng là nơi để các họa sĩ, nhà điêu khắc đưa tác phẩm của mình đến với công chúng yêu mỹ thuật ở Dak Lak nói riêng, cả nước nói chung.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc