Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo tình trạng nhiễm độc thai nghén

15:42, 05/11/2012

Các chuyên gia y tế cảnh báo, chị em không nên chủ quan với hiện tượng “nghén”, trong trường hợp thai phụ bị “nghén” quá nặng nên đến các cơ sở y tế kiểm tra để có thể phòng ngừa được hiện tượng nhiễm độc thai nghén.

Theo phân tích của các bác sĩ chuyên khoa, nhiễm độc thai nghén là tình trạng bệnh lý đặc biệt ở người phụ nữ khi có thai mà cho đến nay y học vẫn chưa biết được nguyên nhân rõ ràng. Khi thai phụ được xác định bị nhiễm độc thai nghén, nếu không được điều trị có thể dẫn tới tiền sản giật, sản giật. Ở thể nhẹ, tình trạng nhiễm độc thai nghén xuất hiện từ khi có thai khoảng gần 1 tháng và thường kéo dài đến 3 tháng, với một số biểu hiện như: mệt mỏi, gầy, xanh, lợm giọng, buồn nôn… Tuy nhiên, thường sau 3 tháng, các triệu chứng nói trên giảm dần rồi mất hẳn, do vậy, thai phụ chỉ cần nghỉ ngơi, ăn nhẹ và chia ra làm nhiều bữa trong ngày, trong một số trường hợp có thể sử dụng một ít thuốc an thần để chống nôn theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Cũng vào giai đoạn này, nếu ở thể nặng, thai phụ cũng có các triệu chứng của nhiễm độc thể nhẹ nhưng thường xảy ra sớm hơn, tình trạng nặng dần, đặc biệt là nôn mửa. Kết quả là, do nôn nhiều và không ăn uống được gì nên cơ thể thai phụ bị mất nước, gầy sút trông thấy. 

Đáng lưu ý là, nếu nhiễm độc thai nghén diễn ra vào những tháng cuối của thai kỳ, các biểu hiện khác hẳn so với 3 tháng đầu. Ngoài một số triệu chứng thường gặp như phù, tăng huyết áp…, thai phụ có thể còn kèm theo các hiện tượng liên quan đến thần kinh như nhức đầu, hoa mắt… dẫn đến tiền sản giật, sản giật, vốn là những hậu quả hết sức nghiêm trọng của nhiễm độc thai nghén, gây ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và bé.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để phòng ngừa nhiễm độc thai nghén, các bác sĩ khuyên thai phụ nên tuân thủ nghiêm ngặt lịch khám thai định kỳ để có thể phát hiệm sớm những bất thường trong quá trình mang thai. Ngoài ra, thai phụ cũng cần chú ý bổ sung chất dinh dưỡng một cách hợp lý và thông báo với các bác sĩ về tình trạng sức khỏe cũng như chế độ ăn uống của mình trong quá trình mang thai. Các bác sĩ có thể sẽ bổ sung những vi chất cần thiết từ các loại thuốc bổ nếu quá trình ăn uống của thai phụ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt, khi thấy có hiện tượng phù chân, nếu chưa đến thời gian tái khám, chị em cũng nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm nước tiểu, kiểm tra chính xác tình trạng sức khỏe. Nếu phát hiện có đạm niệu cao, thai phụ cần đến các bệnh viện có chuyên khoa sản để được điều trị…

K.O (nguồn website ĐCSVN)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.