Multimedia Đọc Báo in

Những điều cần biết về nuôi con bằng sữa mẹ

09:36, 07/08/2013

Sữa mẹ được công nhận là nguồn thực phẩm an toàn, lành mạnh và bền vững đối với trẻ. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, dễ tiêu hóa, hấp thu và có đủ các chất dinh dưỡng đáp ứng đủ nhu cầu cho sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ của trẻ.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, trẻ sơ sinh cần được cho bú sớm (trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh) và được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời (không uống thêm nước hoặc bất cứ thứ gì khác), sau đó ăn bổ sung hợp lý nhưng vẫn duy trì cho bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn nữa. Tuy nhiên kết quả điều tra năm 2010 cho thấy ở Việt Nam chỉ có 61% trẻ được bú mẹ trong vòng một giờ đầu sau sinh. Một số bà mẹ cho trẻ bú 1 nửa sữa bên bầu vú này rồi chuyển sang bầu vú kia vì sợ vú bị lệch, hoặc khi đi làm về thường vắt sữa đầu bỏ đi vì cho rằng sữa đó nóng, không tốt cho trẻ… Quan niệm như vậy là không đúng bởi sữa đầu bữa là sữa ở đầu bữa bú; sữa có màu hơi xanh, trong và lỏng. Trẻ bú sữa đầu sẽ nhận được nhiều nước và đủ chất dinh dưỡng. Sữa cuối bữa là sữa ở cuối bữa bú, có màu vàng nhạt vì chứa nhiều chất béo và có nhiều năng lượng giúp trẻ tăng cân tốt. Do đó, khi cho trẻ bú, mẹ cần để trẻ bú hết sữa một bên vú rồi mới chuyển sang bên vú khác để trẻ nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng. Cho trẻ tráng miệng bằng nước sau bữa bú để sạch miệng hoặc cho uống thêm nước rau, mật ong để bổ sung dinh dưỡng trong vòng 6 tháng đầu là không cần thiết.

Người mẹ phải đi làm khi trẻ được 6 tháng tuổi cần thu xếp thời gian của mình để có thể tranh thủ cho con bú. Cho con bú càng nhiều càng tốt, như cho con bú ngay trước khi đi làm và ngay sau khi về nhà. Mẹ nên tranh thủ cho trẻ bú vào ban đêm, sáng sớm và bất cứ lúc nào ở nhà để duy trì nguồn sữa mẹ. Ngoài ra cũng nên vắt sữa trước khi mẹ đi làm và để lại ở nhà cho trẻ uống. Vắt sữa vào trong cốc sạch, đậy cốc sữa cẩn thận, để nơi mát hoặc cho vào tủ lạnh. Sữa mẹ có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng trong khoảng 3 -5 giờ (bảo quản nơi khô mát, được che đậy kỹ). Nếu có tủ lạnh, hãy bảo quản sữa ở trong ngăn mát. Khi lấy sữa ra cho trẻ sử dụng không nên hâm sữa vì sẽ bị phá hủy các chất kháng thể chống nhiễm trùng trong sữa mẹ hoặc sữa dễ bị nóng quá gây bỏng cho bé. Ngoài ra, không nên rã đông sữa mẹ ở điều kiện ngoài trời, nhất là trong ngày nắng nóng, vì sữa có thể bị nhiễm khuẩn mà nên đặt bình sữa vào bát nước nóng hoặc dưới vòi nước ấm.

Cần bảo đảm trẻ được cho uống bằng cốc và thìa. Không nên cho trẻ bú bình có núm vú vì trẻ bú từ bình luôn dễ dàng hơn bú mẹ nên sau khi bú bình thì trẻ sẽ không muốn bú mẹ nữa. Khi trẻ bú ít hơn thì sữa mẹ tiết ra ít hơn. Ngoài ra, bình bú với núm vú giả dễ bị nhiễm khuẩn và có thể làm trẻ bị tiêu chảy và một số bệnh khác.

Vắt sữa sẽ giúp cho mẹ được thoải mái và bớt chảy sữa; nếu không vắt sữa thường xuyên lượng sữa sẽ giảm. Có thể vắt sữa ở nơi làm việc, cho vào bình sạch, có nắp đậy và mang về nhà cho trẻ. Khi đi làm, nếu không vắt sữa, bảo quản, để dành cho con thì lượng sữa có thể nhanh chóng giảm đi, thậm chí mất hẳn. Đơn giản, khi ngực căng sữa sẽ hình thành phản xạ báo về thần kinh trung ương là đang thừa sữa nên việc tiết sữa sẽ bị ngừng trệ.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc