Multimedia Đọc Báo in

Vì bình yên vùng trời

09:58, 25/09/2015

Dù luôn phải đối mặt với sự khắc nghiệt của tiết trời, nhưng những người lính Trung đoàn Không quân 910 (Trường Sĩ quan Không quân) - đơn vị đứng chân trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn luôn phát huy nội lực, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học.

Cách đây 57 năm (1958), tại sân bay Cát Bi, TP. Hải Phòng, Trung đoàn Không quân 910 ra đời và trở thành một trong hai Trung đoàn đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của Bộ đội Không quân trong hoạt động huấn luyện bay và đào tạo phi công quân sự cho Tổ quốc. Từ đó đến nay, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã kế thừa truyền thống vẻ vang của dân tộc, quân đội anh hùng, luôn thực hiện nhiệm vụ với phương châm: “Trung thành vô hạn, tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”.

Học viên tập luyện, hiệp đồng và  biểu diễn trước ngày bay.
Học viên tập luyện, hiệp đồng và biểu diễn trước ngày bay.

Thiếu tá Nguyễn Minh Nhật, Phó Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn cho biết: “Đầu năm 2004, Trung đoàn chuyển vị trí đóng quân từ 2 sân bay Cam Ranh và Nha Trang về sân bay Tuy Hòa. Trong điều kiện khí tượng sân bay Tuy Hòa không thuận lợi, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Phi đội 1 và một bộ phận lực lượng, phương tiện, khí tài, máy bay đã về bay huấn luyện tại sân bay Nha Trang. Phải đến năm 2008, khi đã làm chủ được sự “trái tính trái nết” của tiết trời, Trung đoàn mới cơ động toàn bộ lực lượng về sân bay Tuy Hòa”.

Hiện nay, Trung đoàn Không quân 910 là nơi thực hiện “khâu” cuối cùng trong quá trình đào tạo phi công của Trường Sĩ quan Không quân. Tại đây, học viên sẽ được huấn luyện thực hành với máy bay L-39 và trực thăng Mi-8. Mỗi loại máy bay có nhiều bài bay khác nhau, cụ thể Mi-8 gồm các bài: bay treo xê dịch, bay vòng kín, trinh sát chụp ảnh, phục vụ bay nhảy dù, cứu hộ cứu nạn…; còn L-39 gồm các bài: bay vòng kín, bay thấp không, bay liên đội, bay công kích mục tiêu trên không và mặt đất… Để trở thành phi công quân sự giỏi, mỗi học viên phải nắm chắc lý thuyết cơ bản, lý thuyết thực hành bay, cũng như rèn luyện kỹ năng bay. Đặc biệt, phải tự đề ra cho mình kỷ luật thép trong việc rèn luyện sức khỏe, sức bền, đồng thời tự nghiên cứu, nâng cao trình độ để hoàn thiện bản thân. Mỗi ngày, học viên phải giành ít nhất 1 giờ đồng hồ để tập thể thao hàng không bắt buộc với các bài khó như: xoay vòng ly tâm, đu quay, các bài nhào lộn phức tạp... Trong quá trình tập luyện, nếu không đủ điều kiện sức khỏe, năng lực, học viên sẽ không được tiếp tục thực hiện ước mơ làm chủ bầu trời. Đến từ quê hương Nam Định, Lê Văn Tùng (lớp K40 L-39) – một trong những học viên xuất sắc, được lựa chọn gắt gao để huấn luyện thành phi công chiến đấu giỏi chia sẻ: “Để rèn luyện tiền đình, mỗi ngày chúng tôi thường buộc tay vào các dụng cụ chơi thể thao hàng không, rồi tự quay liên tục 45-50 vòng, nhưng vẫn luôn tỉnh táo, không bị chóng mặt, buồn nôn. Còn nhớ lúc thi tuyển đầu vào, ngoài kiểm tra toàn diện sức khỏe khắt khe, chúng tôi còn được các bác sĩ đưa vào buồng khí áp, nếu ai không chịu đựng được sẽ bị đau tai, chảy máu tai… và tất nhiên là bị loại”.

Chuẩn bị cho chuyến bay diễn ra thành công, trước ngày bay, Thiếu tá Tô Anh Tuấn, Phó Phi đội trưởng huấn luyện (Phi đội 2) đã hiệp đồng bay với các học viên. Lắng nghe từng lời hướng dẫn của Thiếu tá Tuấn về bài Bắn bia mục tiêu mặt đất, học viên Nguyễn Văn Hải (lớp K40 L-39) ghi chép cẩn thận và không quên hỏi lại thầy những điều chưa rõ. Dù đã thực hành rất nhiều chuyến bay đơn, nhưng nhớ lại lần đầu tiên được chạm vào vùng trời mơ ước, Hải không kìm nén được cảm xúc: “Với mỗi học viên, được bay một mình (bay đơn) là dấu ấn không thể nào quên, bởi nó như bước thành công đầu tiên giúp chúng tôi chạm vào giấc mơ được trở thành phi công quân sự. Còn nhớ, đêm trước ngày bay đơn đầu tiên, tôi gần như không ngủ được vì hồi hộp, lo lắng. Suốt đêm, hàng trăm câu hỏi cứ hiện lên trong đầu, liệu mình có thể thực hiện được không, nếu có tình huống xấu xảy ra thì phải làm những gì… Chỉ hôm sau, khi đã hạ cánh an toàn, tôi mới thấy nhẹ nhõm và hạnh phúc vì mình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Mặt trời đứng bóng, cái nắng, gió trên vùng đất cát càng thêm khắc nghiệt, nhưng những người lính Trung đoàn Không quân 910 vẫn miệt mài dạy và học, để đào tạo phi công quân sự giỏi, bảo vệ bình yên vùng trời Tổ quốc…

Từ khi thành lập đến nay, Trung đoàn Không quân 910 đã liên tục huấn luyện, đào tạo 74 khóa, trên 12 kiểu loại máy bay, với hàng trăm giáo viên, chỉ huy bay và trên 1.000 phi công, bổ sung lực lượng chiến đấu cho quân chủng. Trong đó có 11 phi công từng đào tạo, bổ túc, chuyển loại ở Trung đoàn tham gia chiến đấu, huấn luyện và lập công xuất sắc, được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đó là Anh hùng: Phan Như Cẩn, Đinh Tôn, Nguyễn Văn Ba, Lê Hải, Đỗ Văn Lanh, Phạm Tuân, Nguyễn Đình Khoa, Lê Khương, Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Văn Bảy, Dương Văn Thanh. Nhiều học viên sau này đã trở thành cán bộ cao cấp, tướng lĩnh, giữ các cương vị chủ chốt trong quân đội, quân chủng, nhà trường…

 Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc