Multimedia Đọc Báo in

Quy định mới về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh công lập

11:24, 23/10/2012

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 85/2012/NĐ-CP về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

Theo Nghị định này, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được xem xét điều chỉnh trong 3 trường hợp: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Nhà nước thay đổi về cơ chế, chính sách tiền lương; Khi có biến động giá của các yếu tố đầu vào. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là số tiến phải trả cho mỗi dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện theo lộ trình.

Năm 2013 giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính trên cơ sở bốn chi phí trực tiếp gồm: tiền thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế để thực hiện dịch vụ (bao gồm cả chi phí bảo quản, hao hụt theo định mức được cơ quan có thẩm quyền quy định); tiền điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường trực tiếp để thực hiện dịch vụ; duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; chi phí trả phụ cấp thường trực, chi phí chi trả phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật. Nghị định nêu rõ, giai đoạn từ 2014-2017, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính trên cơ sở các khoản chi phí nêu trên đồng thời tính cả chi phí về tiền lương; chi phí nhân công thuê ngoài (nếu có), chi phí đặc thù; khấu hao tài sản cố định; chi phí gián tiếp, các chi phí hợp pháp khác để vận hành, bảo đảm hoạt động bình thường của bệnh viện. Trong đó, năm 2014-2015, chi phí tiền lương chỉ tính 30% quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến tỉnh ở khu vực miền núi, Tây Nguyên và các bệnh viện quận thuộc Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 50% quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến Trung ương và của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại. Còn từ năm 2016-2017 được tính 100% quỹ tiền lương cơ bản đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương và các bệnh viện quận thuộc Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, 50% quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến huyện còn lại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cũng theo Nghị định, giai đoạn từ năm 2018 trở đi, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính đủ các chi phí để thực hiện dịch vụ, bao gồm cả chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp. Chi phí về tiền lương trong nghị định nêu rõ được tính theo nguyên tắc: Đối với những dịch vụ có đơn giá tiền lương trong đơn giá của dịch vụ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì được tính theo đơn giá tiền lương đã được phê duyệt. Đối với những dịch vụ chưa được quy định đơn giá tiền lương trong đơn giá của dịch vụ thì chi phí về tiền lương được tính trên cơ sở hao phí lao động và mức tiền lương bình quân để thực hiện dịch vụ.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định chi tiết về thẩm quyền qui định và quyết định giá dịch vụ y tế; đối tượng và phương thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh; quản lý và sử dụng nguồn thu từ các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các quy định khác. Mức điều chỉnh giá dịch vụ y tế và thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ y tế do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định cho phù hợp.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-12-2012 và thay thế Nghị định số 95/CP ngày 27-8-1994 của Chính phủ về thu một phần viện phí.

K.O (nguồn website ĐCSVN)
 


Ý kiến bạn đọc