Chiến lược về nhận thức an toàn giao thông
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu thiết lập và duy trì trật tự xã hội trong lĩnh vực giao thông vận tải; bảo đảm hệ thống giao thông vận tải hoạt động thông suốt phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, phấn đấu hàng năm giảm 5 - 10% số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ...
Để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh những giải pháp về hạ tầng và cơ chế xử phạt vi phạm pháp luật về an toàn giao thông (ATGT), thì một giải pháp quan trọng là đẩy mạnh phổ biến, giáo dục về ATGT đến mọi tầng lớp nhân dân, bởi tuyên truyền, giáo dục là yếu tố hết sức quan trọng nâng cao nhận thức của người dân về Luật Giao thông đường bộ.
Khi nhận thức được nâng lên thì người dân sẽ hành xử đúng luật, có văn hóa khi tham gia giao thông. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT vào sinh hoạt thường xuyên của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, cũng như đưa tiêu chí chấp hành Luật Giao thông đường bộ vào đánh giá chất lượng của tổ chức đoàn thể, cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, sinh viên.
Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 9 tháng đầu năm 2012 cả nước đã xảy ra gần 24.000 vụ TNGT, làm chết gần 7.000 người, bị thương hơn 25.000 người, giảm 28% số vụ, số người chết giảm 18%, số người bị thương giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong số đó có hàng ngàn vụ tai nạn do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông kém, biểu hiện ở những hành vi như: không đội mũ bảo hiểm, đi sai đường, không chấp hành tín hiệu giao thông và đã uống bia, rượu khi lái xe… Tại phiên họp của Ủy ban Quốc phòng - an ninh thảo luận báo cáo của Chính phủ về công tác bảo đảm trật tự ATGT ngày 21-10 vừa qua, đại biểu quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn nhận xét: “Nếu chỉ nhìn vào các con số thì phấn khởi. Nhưng tôi cho rằng kết quả chưa vững chắc, không ai dám nói năm nay thế này, sang năm còn giảm nữa. Ý thức người tham gia giao thông rất kém, nhất là lớp trẻ, ra đường là thấy các cháu đi hàng ba, hàng tư, không đội mũ bảo hiểm”. Những năm gần đây, có điều đáng buồn là ở nước ta, TNGT đã trở thành “quốc nạn”. Riêng ở Dak Lak, chỉ tính trong tháng 9-2012, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết 12 người, bị thương 11 người, qua phân tích 12 vụ TNGT trên của công an tỉnh cho thấy: 100% số vụ do người điều khiển xe môtô gây ra, với các lỗi chủ yếu là: đi không đúng phần đường, làn đường, vượt xe không bảo đảm an toàn và không chú ý quan sát. Khi TNGT xảy ra, người ta hay đổ lỗi cho hạ tầng giao thông còn bất cập, cơ chế quản lý, xử phạt của ngành chức năng còn chưa mạnh khiến người bị xử phạt “lờn thuốc”. Tuy nhiên, có một nguyên nhân rất lớn là ý thức chấp hành Pháp luật của người điều khiển phương tiện còn rất hạn chế, và hệ lụy là những vụ TNGT thương tâm để lại hậu quả rất lớn cho gia đình và xã hội.
Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với những giải pháp mạnh, đồng bộ có thể nói là lời giải hữu hiệu cho bài toán ATGT, trong đó vấn đề hết sức quan trọng là nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông. Bên cạnh những giải pháp mang tính cơ chế thì nhận thức của mỗi người trong việc hiểu, chấp hành luật giao thông và hành xử có văn hóa khi ra đường mới là phương thuốc hữu hiệu giải quyết tận gốc vấn đề TNGT hiện nay.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc