Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911 - 25-8-2021)

Những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta

16:41, 20/08/2021

Bài 2: Tổng Tư lệnh - Người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng và trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đảm nhiệm trọng trách lớn lao khi tuổi đời còn khá trẻ (37 tuổi); song với sự học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại. Ảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại. (Ảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng có công lao, đóng góp to lớn trong xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam hùng mạnh, chính quy, tinh nhuệ, ngày càng hiện đại.

Với 30 năm là Tổng Tư lệnh Quân đội, Bí thư Quân ủy Trung ương, đồng chí luôn tỏ rõ là nhà quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; được cán bộ, chiến sĩ Quân đội yêu mến, kính trọng, suy tôn là “Người anh Cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Từ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên chỉ với 34 chiến sĩ và vài chục khẩu súng trường, súng kíp thô sơ, rồi từng bước lớn lên thành những trung đoàn, đại đoàn thiện chiến, kiên cường chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược. 

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là minh chứng sinh động về sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội ta dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ kính yêu và sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần đầu tiên trên thế giới, quân đội của một nước thuộc địa nhỏ ở châu Á đã đánh bại quân đội của một cường quốc châu Âu.

 

Tại Tổng Hành dinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương theo dõi, nắm bắt từng bước diễn biến rất nhanh của các mặt trận, luôn kịp thời đưa ra những chỉ đạo phù hợp cho các hướng tấn công. (Ảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Tại Tổng Hành dinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương theo dõi, nắm bắt từng bước diễn biến rất nhanh của các mặt trận, luôn kịp thời đưa ra những chỉ đạo phù hợp cho các hướng tấn công. (Ảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị là người đứng đầu Quân đội, cùng với Bộ Chính trị hoạch định những quyết sách chiến lược. Đại tướng là người sớm có kiến nghị và có nhiều công lao trong việc khẩn trương xây dựng Quân đội Nhân dân tiến lên chính quy, hiện đại, xây dựng các Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Binh chủng Đặc công, xây dựng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam và tiến thẳng đến dinh lũy của kẻ địch vào ngày toàn thắng. 

Đặc biệt, gần cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất ra việc khẩn trương thành lập các quân đoàn chủ lực (Quân đoàn 1, 2, 3 và 4) để nhân sức mạnh tổng hợp của các sư đoàn, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, thực hiện những trận đánh tiêu diệt lớn. 

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã chứng minh đề xuất trên của đồng chí Tổng Tư lệnh là sáng tạo và chính xác, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn chiến trường, đáp ứng nhạy bén yêu cầu của sự phát triển quân đội và quy luật phát triển của chiến tranh vào thời điểm đó.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu tại cuộc họp ngày 14/4/1975 tại Nhà D67. Bộ Chính trị quyết định đặt tên chiến dịch Sài Gòn-Gia Định là chiến dịch Hồ Chí Minh. (Ảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu tại cuộc họp ngày 14-4-1975 tại Nhà D67. Bộ Chính trị quyết định đặt tên chiến dịch Sài Gòn - Gia Định là chiến dịch Hồ Chí Minh. (Ảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Trong tất cả những bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những chiến dịch quân sự trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; dưới ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại, tác động mạnh mẽ vào dòng chảy lịch sử dân tộc; trở thành vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự thời đại… và nhận được sự ngưỡng mộ, kính trọng của nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách, học giả, nhà sử học, nhà báo, nhà văn và đông đảo Nhân dân thế giới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chuyên gia lỗi lạc hàng đầu về đường lối chiến tranh Nhân dân của phong trào giải phóng dân tộc trong nước và trên thế giới. Đó là nghệ thuật đánh lâu dài để chuyển hóa so sánh lực lượng khi lực lượng ban đầu của ta còn nhỏ yếu; đó là nghệ thuật chớp thời cơ để giành lấy thắng lợi có tính chiến lược làm xoay chuyển cục diện chiến tranh; đó là nghệ thuật xây dựng, tổ chức và sử dụng kết hợp lực lượng vũ trang ba thứ quân, nghệ thuật tổ chức, sử dụng quân đội, từ quy mô nhỏ bé ban đầu tới hình thành trên thực tế các quân, binh chủng, các binh đoàn chủ lực - những quả đấm thép quyết định thắng lợi trên chiến trường; đó là nghệ thuật luôn chủ động về chiến lược và chiến dịch, phân tích và đánh giá đúng tình hình với tư duy chiến lược sắc sảo, phán đoán đúng, dự báo sớm âm mưu và hành động của đối phương để chủ động về lực lượng, thế trận và cách đánh; đó là nghệ thuật tổ chức bảo đảm hậu cần chiến lược và chiến dịch…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ngày 11-2-2000 tại nhà riêng - Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ngày 11-2-2000 tại nhà riêng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà chỉ huy quân sự có tài thao lược kiệt xuất, bậc thầy về chiến lược, chiến thuật quân sự. Đại tướng là vị tướng tài ba, người cầm quân rất cẩn trọng trong so sánh tương quan lực lượng đôi bên, luôn chủ động bắt buộc đối phương bị động thay đổi thế cờ, đánh theo cách đánh của ta, vì thế mà phá sớm về chiến thuật, chiến dịch, chiến lược, dẫn đến thất bại hoàn toàn của địch.

Điển hình, đó là quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là quyết định chọn đúng hướng đột phá chiến dịch vào Buôn Ma Thuột - Tây Nguyên; kịp thời nắm bắt thời cơ chiến lược, đề nghị chuyển sang kế hoạch sớm giải phóng miền Nam trong năm 1975; kịp thời chỉ đạo mở các chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và giải phóng quần đảo Trường Sa, phê chuẩn đề nghị thành lập cánh quân phía Đông và ra mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa…” cho toàn quân xốc tới; ra lệnh cho cánh quân phía Đông tiếp tục phát triển tiến công, không chờ đợi để nhanh chóng tiến vào giải phóng Sài Gòn, cùng với 4 cánh quân khác mãnh liệt đánh vào sào huyệt địch trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong các chiến dịch lớn có tính chất quyết định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn thể hiện sự quyết đoán, sắc bén và có tư duy quân sự, chiến thuật, tài chỉ huy đặc biệt.

Những kiến thức và tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều do tự học từ lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam và lịch sử quân sự thế giới; tự rèn luyện, tự đúc rút kinh nghiệm qua thực tế chiến đấu của Quân đội ta mà nên. Chính điều ấy đã làm nên sự khác biệt của Đại tướng, khiến thế giới khâm phục, suy tôn Võ Nguyên Giáp là danh tướng, một trong những thống soái kiệt xuất nhất trong lịch sử nhân loại... là một trong số ít những người có khả năng làm thay đổi dòng chảy lịch sử.  

(còn nữa)

Ban Tuyên giáo Trung ương - Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.