Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò cán bộ trẻ ở huyện Lắk

07:34, 16/11/2021

Với mục tiêu tạo cơ hội thử thách, rèn luyện để trưởng thành và tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội ở các xã vùng sâu, vùng xa, trong những năm qua Huyện ủy Lắk đã chú trọng việc luân chuyển, bố trí cán bộ trẻ về cơ sở và giải pháp này đang phát huy hiệu quả tại địa phương.

Góp sức đưa Đắk Nuê sớm không còn là địa bàn trọng điểm, phức tạp

Tháng 7-2019, đồng chí Nguyễn Thanh Hưng (SN 1983, Bí thư Huyện Đoàn Lắk) được điều động về giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy và được HĐND xã bầu giữ chức danh Chủ tịch UBND xã Đắk Nuê nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Đắk Nuê là xã vùng III của huyện Lắk, có 67,49% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Đây cũng là địa bàn trọng điểm, phức tạp về tình hình an ninh trật tự (ANTT) trong những năm về trước. Trong đó, nổi cộm nhất là vấn đề lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, làm nhà ở của đồng bào DTTS tại chỗ và các hộ dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào địa phương. Xác định đây là “nút thắt” cần tháo gỡ, ngay từ khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Thanh Hưng đã đưa vấn đề này ra các cuộc họp cấp ủy để cùng bàn bạc, trao đổi và tìm giải pháp khắc phục.

Bí thư Đảng ủy xã Đắk Nuê Nguyễn Thanh Hưng (giữa) thăm mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại HTX Nông nghiệp Thành Tín (xã Đắk Nuê, huyện Lắk)

Qua các chuyến thực tế ở cơ sở, nắm bắt tình hình tại buôn Dlei và buôn Đắk Sar có 442 hộ, 1.719 nhân khẩu, trong đó có 97 hộ đồng bào Mông, với 533 nhân khẩu chưa có hộ khẩu thường trú do nơi ở, đất sản xuất đang thuộc sự quản lý của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn; có 110 hộ dân tộc M’nông, với 426 khẩu đang thiếu đất sản xuất nên xảy ra tình trạng lấn chiếm đất của các công ty trồng rừng. Từ đó công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Lâm nghiệp cũng như các quy định của Đảng, Nhà nước đối với người dân ở buôn Đắk Sar, Dlei được Đảng ủy xã Đắk Nuê quan tâm. Nhờ đó đã dần thay đổi nhận thức của bà con về phong tục, tập quán trong sinh hoạt, sản xuất, tránh việc lấn chiếm đất của các công ty, vi phạm pháp luật. Cùng với đó, trong những buổi tiếp xúc cử tri, phát động quần chúng tại các buôn, đồng chí Nguyễn Thanh Hưng cùng cán bộ, đảng viên đã thường xuyên tuyên truyền cho người dân buôn Đắk Sar biết hiện nay Nhà nước đang quan tâm vấn đề cấp sổ hộ khẩu để bà con yên tâm sinh sống, sản xuất.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, dần dần người dân tại buôn Đắk Sar và buôn Dlei đã hiểu ra, nhờ đó những vụ việc vi phạm về quản lý đất đai giảm dần, đặc biệt tình hình ANTT chuyển biến rõ rệt. Đồng chí Nguyễn Thanh Hưng vui mừng cho biết, năm 2021 xã Đắk Nuê đã báo cáo và lập tờ trình đề nghị UBND huyện đề xuất cấp có thẩm quyền rút xã Đắk Nuê ra khỏi danh sách địa bàn trọng điểm phức tạp về ANTT.

Qua thời gian tôi rèn, thử thách bản lĩnh, đến tháng 6-2020 đồng chí Nguyễn Thanh Hưng được tín nhiệm bầu chức danh Bí thư Đảng ủy xã Đắk Nuê nhiệm kỳ 2020 - 2025, và đến tháng 7-2021 sau cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, đồng chí được bầu kiêm Chủ tịch HĐND xã nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Người “đánh thức” tiềm năng du lịch sinh thái ở Đắk Phơi

Từ Phó Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lắk, cuối tháng 11-2018, đồng chí Nay Y Ngọc (SN 1980) được điều động về giữ vai trò Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắk Phơi. Từ tháng 7-2020 đồng chí được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã.

Đắk Phơi được xem là vùng đất có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, song tiềm năng này chưa được “đánh thức”. Theo đồng chí Nay Y Ngọc, xã Đắk Phơi với hơn 90% dân số là đồng bào DTTS, trong đó đồng bào M’nông chiếm khoảng 80% nên nhiều lễ hội, nghề truyền thống được bà con nơi đây lưu giữ. Chẳng hạn như nghề đan lát thủ công, nghề dệt thổ cẩm, cùng với đó là nhiều lễ hội mang bản sắc văn hóa dân tộc như nghi lễ cúng lúa mới của người M’nông Gar… Những nét văn hóa truyền thống này là thế mạnh để địa phương phát triển du lịch cộng đồng.

Đồng chí Nay Y Ngọc (bên trái) cùng cán bộ Huyện ủy Lắk khảo sát thực tế tại suối đá Đắk Phơi.
Đồng chí Nay Y Ngọc (bên trái) cùng cán bộ Huyện ủy Lắk khảo sát thực tế tại suối đá Đắk Phơi.

Thêm vào đó, ở xã Đắk Phơi có suối đá bắt nguồn từ đỉnh Chư Yang Sin – là tiềm năng lớn để hình thành và phát triển mô hình du lịch sinh thái. Nhận thấy đây là thế mạnh lớn, Đảng ủy, UBND xã đã nhiều lần đề xuất với Huyện ủy, UBND huyện Lắk đầu tư, vệ sinh môi trường xung quanh suối nhằm hướng tới phát triển du lịch sinh thái và được huyện đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư trong năm 2021.

Đồng chí Nay Y Ngọc chia sẻ, từ bao đời nay, suối đá Đắk Phơi được xem là mạch nguồn của đồng bào M’nông Gar nơi đây. Suối có nước chảy quanh năm, là nơi phục vụ nước tưới sản xuất, cũng là nơi sinh hoạt của bà con, đặc biệt suối gắn với Lễ cúng bến nước vào dịp đầu năm mới. Hiện nay, đã có một số đơn vị lữ hành du lịch tổ chức các tour đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm, song chưa nhiều, chưa có sự tham gia của cộng đồng người bản địa để tạo thành những tour khép kín. Do vậy, việc đưa suối đá vào danh mục kêu gọi đầu tư trong năm 2021 là tín hiệu đáng mừng, nếu được các tổ chức, cá nhân quan tâm sẽ góp phần “đánh thức” du lịch sinh thái tại địa phương có nhiều tiềm năng như Đắk Phơi.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lắk Đào Thị Thanh An cho biết, giai đoạn 2010 - 2020, Ban Thường vụ Huyện ủy Lắk đã điều động 13 đồng chí về làm bí thư, phó bí thư đối với 9/11 xã, thị trấn. Các đồng chí này đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo của mình tại địa phương, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Quan trọng nhất, với việc dám nghĩ, dám làm, họ đã góp phần lớn vào việc thay đổi diện mạo ở địa phương, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nơi mình công tác.

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.