Multimedia Đọc Báo in

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:

Cần có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, bám sát thực tiễn trong triển khai thực hiện chuyển đổi số

19:30, 30/11/2021

Chiều 30/11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số bằng hình thức trực tuyến với điểm cầu của 21 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Dự phiên họp tại đầu cầu Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Vũ Đức Đam.

Tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trương Hoài Anh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Tại phiên họp, đại biểu các điểm cầu đã được thông qua Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 24/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (gọi tắt là Ủy ban) gồm 16 thành viên, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Chủ tịch Ủy ban, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng làm Phó chủ tịch Ủy ban; Quyết định số 1964/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Dự thảo quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh chụp qua màn hình)

Các đại biểu cũng được nghe báo cáo tóm tắt đề xuất kế hoạch chuyển đổi số năm 2022; dự thảo kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia năm 2022; báo cáo tham luận của các bộ, ngành, địa phương; phát biểu của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng…

Theo đó, Ủy ban đặt mục tiêu từ năm 2022 đến năm 2025 triển khai khoảng 53 chỉ tiêu hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong năm 2022, triển khai 34 nhiệm vụ. Tinh thần là đặt mục tiêu cao, quyết tâm hành động cao, mỗi nhiệm vụ có một đơn vị chủ trì, có kết quả rõ ràng, có chỉ số đo lường cụ thể.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Vủ Đức Đam phát biểu ý kiến
Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Vũ Đức Đam phát biểu ý kiến. (Ảnh chụp qua màn hình)

Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Chuyển đổi số là xu thế chung của thế giới, song cũng là đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển đất nước. Phiên họp đầu tiên của Ủy ban là bước triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về chuyển đổi số, với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Việc triển khai thực hiện chuyển đổi số trước mắt sẽ phục vụ phòng chống dịch hiệu quả, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín, tiềm lực của Việt Nam.

Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu Đắk Lắk
Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu Đắk Lắk

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhất mạnh: Chủ trương, chính sách, thể chế về chuyển đổi số đã có và tương đối đầy đủ, việc triển khai thực hiện đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Thời gian tới, cần có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, bám sát thực tiễn trong triển khai thực hiện chuyển đổi số. Cán bộ, người đứng đầu là nhân tố quyết định thực hiện chuyển đổi số nhưng tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương đều phải triển khai thực hiện, huy động người dân và doanh nghiệp cùng tham gia, trong đó lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là động lực trong chuyển đổi số.

Các bộ, ngành, đơn vị, địa phương cần nhanh chóng kiện toàn ban chỉ đạo, ban hành kế hoạch với giải pháp cụ thể triển khai thực hiện chuyển đổi số, coi đây thực sự là đột phá trong phát triển đất nước hiện nay. Trong đó cần nâng cao nhận thức, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, khoa học; tăng cường giám sát, kiểm tra, đo lường, đánh giá hiệu quả; tăng cường công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng cao; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, cơ sở dữ liệu; triển khai chương trình phát triển công dân số tương ứng, hài hòa với Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tích cực hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 nhằm tạo ra các đột phá, bố trí nguồn lực hợp lý; nhanh chóng thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Nguyễn Xuân

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.