Multimedia Đọc Báo in

Đa dạng hóa phương thức tuyên truyền về chủ quyền biển đảo

08:28, 18/02/2022

Thực hiện những định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước về biên giới, lãnh thổ, thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đã được triển khai tích cực, đồng bộ, toàn diện và tạo nhiều chuyển biến quan trọng.

Đa dạng hình thức, nội dung

Căn cứ tình hình thực tế, Ban Tuyên giáo Trung ương, các ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền biển đảo bằng nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả như: hội nghị báo cáo viên, tập huấn, hội thảo, tọa đàm, lồng ghép trong các buổi họp, sinh hoạt của Đảng, đoàn thể, địa phương, tổ chức đưa cán bộ, nhân dân, phóng viên, kiều bào đi thăm Quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 và các vùng biển đảo khác của Việt Nam...

Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy đã đẩy mạnh tuyên truyền biển đảo thông qua các bản tin sinh hoạt chi bộ, trang tin điện tử, Fanpage; cung cấp tài liệu tuyên truyền, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, đáp ứng nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân đã tự giác, tích cực tuyên truyền, giải thích cho người thân, hàng xóm nhận thức đúng, rõ hơn về tình hình Biển Đông.

Các đại biểu tìm hiểu về tư liệu lịch sử được trưng bày tại Triển lãm lưu động "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" được tổ chức tại huyện Ea Kar năm 2020

Các cơ quan báo chí ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, nỗ lực tăng số lượng, chất lượng các chương trình, chuyên mục, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Một số cơ quan, đơn vị đã bước đầu xây dựng, thử nghiệm các trang điện tử, tài khoản mạng xã hội như: Facebook, Twitter, Youtube để đăng tải các bài viết, video ngắn nhằm tranh thủ sự ủng hộ đối với lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Qua đó, góp phần bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia và định hướng dư luận xã hội ủng hộ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về những vấn đề liên quan đến biển đảo.

Không chỉ đa dạng về phương thức, nội dung tuyên truyền về biển đảo cũng ngày càng phong phú. Bên cạnh nội dung về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các cơ quan, đơn vị, địa phương còn tập trung phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các thỏa thuận quốc tế, phát triển bền vững kinh tế biển, đấu tranh phòng, chống các hành vi buôn lậu, trốn thuế, khai thác hải sản trái phép, nêu gương các cá nhân và tập thể điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền biển đảo...

Công tác thông tin đối ngoại về biển đảo được chú trọng, triển khai mạnh mẽ, tận dụng các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, Liên  hiệp quốc nhằm từng bước “công khai hóa”, “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông, tạo thế chủ động trên mặt trận truyền thông, tranh thủ, vận động quốc tế ủng hộ lập trường của Việt Nam.

Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo

Nhận định tình hình Biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực, tạo ra những thách thức không nhỏ đối với an ninh và phát triển của Việt Nam. Để tiếp tục thực hiện thành công các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về biển đảo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc chủ động cung cấp thông tin chính thống, đúng sự thật trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông hiện đại dưới nhiều hình thức là yêu cầu khách quan, cấp thiết của công tác tuyên truyền.

Học sinh tìm hiểu tư liệu lịch sử trưng bày tại Triển lãm lưu động "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" được tổ chức tại huyện Ea Kar năm 2020.

Theo Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, cần phải đổi mới tư duy triển khai công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển đảo và công tác biên giới đất liền gắn với quan điểm, đường lối mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đề ra, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế. Trong đó, cần phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt của các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển đảo và công tác biên giới đất liền; tranh thủ cao nhất sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong và ngoài nước nhằm huy động được tối đa các nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, nhất là các xu thế, xu hướng phát triển của quan hệ quốc tế, phân tích những tác động của vấn đề biển đảo nhằm chủ động tham mưu kế hoạch truyền thông đáp ứng nhu cầu, xu thế thông tin, tạo định hướng thống nhất, đồng thời, quảng bá và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, chống phá; bảo đảm thế chủ động về thông tin, ứng phó hiệu quả với các tình huống, vụ việc, nhất là các vụ việc nhạy cảm, đột xuất phát sinh. Tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức, hình thức thông tin, đặc biệt cần tăng cường sử dụng nền tảng số, các phương tiện truyền thông mới, kênh thông tin mới, sản phẩm thông tin bằng nhiều ngôn ngữ nước ngoài..  

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.