Multimedia Đọc Báo in

Cải thiện chỉ số cải cách hành chính: Từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh

08:36, 14/03/2022

Những năm qua, Đắk Lắk đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo bước chuyển trong các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những mặt hạn chế, hai chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) và Hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) của Đắk Lắk có chiều hướng đi xuống, ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh kinh doanh, chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Theo kết quả điều tra Chỉ số PAR Index và PAPI thì giai đoạn 2016 - 2020, Đắk Lắk chưa có sự chuyển biến rõ nét, nhiều trục nội dung của hai chỉ số còn ở mức thấp, nằm trong nhóm các tỉnh thành đạt điểm số trung bình thấp. Cụ thể về kết quả chỉ số PAR Index, nếu như năm 2016 đạt 75,50 điểm, xếp thứ 26/63 tỉnh thành thì năm 2017 đạt 75,37 điểm, xếp thứ 43/63; năm 2019 đạt 79,53 điểm, xếp thứ 50/63; đến năm 2020 đạt 83,22 điểm, xếp thứ 45/63 tỉnh thành.

Về chỉ số PAPI: năm 2016 đạt 35,65 điểm, xếp thứ 33/63 tỉnh thành, sang đến năm 2017 giảm sâu, chỉ đạt 34,64 điểm và xếp thứ 55/63. Đến năm 2018 thì nhích nhẹ, đạt 42,33 điểm, tăng 2 bậc so với năm trước. Tuy vậy đến năm 2019 lại rớt xuống vị trí 62/63 tỉnh thành với 41,07 điểm và đến năm 2020 có chuyển biến, đạt 41,53 điểm, xếp thứ 50/63 tỉnh thành.

Người dân làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Buôn Đôn.

Chỉ số PAR Index là công cụ đánh giá, đo lường và xếp hạng chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để theo dõi, đánh giá hoạt động CCHC. Chỉ số này được cấu trúc thành 8 lĩnh vực, gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy; Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản pháp luật; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức; Cải cách tài chính công; Hiện đại hóa nền hành chính;  Thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.

Chỉ số PAPI là chỉ số đo lường Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh dựa trên trải nghiệm và đánh giá của người dân khi tương tác với các cấp chính quyền địa phương; là công cụ theo dõi, giám sát, đánh giá năng lực điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền địa phương. Điều đó phản ánh rõ nét qua các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân như: công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, giá cả đền bù đất đai, thu chi ngân sách; trách nhiệm giải trình với người dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp cận dịch vụ tư pháp; thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công…

Chính vì vậy, hai chỉ số này chính là “tấm gương” phản chiếu một cách rõ nhất về công tác quản lý điều hành, CCHC của một địa phương; phản ánh “góc nhìn” chính xác mức độ hài lòng của người dân đối với công tác CCHC của bất cứ địa phương nào.

Công an xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) đến nhà người dân thu thập thông tin, điều tra dữ liệu cơ sở quốc gia về dân cư.

Có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong công tác CCCH, như: nguồn lực hạn chế; nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; một số địa phương, sở, ngành chưa quyết tâm, quyết liệt đẩy mạnh CCHC… Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, những hạn chế trong công tác CCHC chính là “rào cản” rất lớn thu hút nguồn lực từ bên ngoài đầu tư, phát triển kinh tế địa phương cũng như chưa thật sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân về một nền hành chính chuyên nghiệp và hiện đại, lấy người dân làm trung tâm phục vụ.

Trước thực trạng đó, tỉnh đã xây dựng Đề án cải thiện Chỉ số Cải cách hành chính và Chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến mục tiêu cải thiện thứ hạng của Đắk Lắk. Theo đó, xây dựng đồng bộ và quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp, như: đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử hiện đại; thực hiện phân cấp, phân quyền, thống nhất trong quản lý, điều hành; rà soát, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục gây trở ngại, kìm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh… Đặc biệt, giải pháp trọng tâm mà Đề án xác định có ý nghĩa quyết định thành bại là  “xoáy” sâu vào công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có năng lực trình độ, vừa có phẩm chất đạo đức, nhiệt tình phục vụ nhân dân. “Để cải thiện chỉ số PAR Index và PAPI thì yếu tố con người đóng vai trò quyết định. Tôi đề nghị lãnh đạo cơ quan, địa phương, sở ngành nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, đôn đốc, xử lý những trường hợp cán bộ, công chức viên chức vi phạm, gây nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp. Để thực hiện được điều đó thì cần đảm bảo cơ chế cạnh tranh lành mạnh trong tuyển dụng, thực hiện quy trình quản lý bổ nhiệm cán bộ đúng người, đúng việc, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ này”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh.

Có thể nói việc xây dựng, triển khai thực hiện Đề án là hết sức cần thiết, kịp thời, nhất là trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh chương trình tổng thể CCHC, hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ. Sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự mạnh dạn đột phá vào khâu cán bộ là yếu tố cốt yếu để Đề án hoàn thành mục tiêu theo đúng tiến độ, lộ trình đề ra.

Đề án Cải thiện Chỉ số PAR Index và PAPI tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu đưa hai chỉ số này tăng 10% so với năm 2020, đưa thứ hạng Đắk Lắk vào nhóm trung bình cao trong nước.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.