Multimedia Đọc Báo in

Chỉ đạo sâu sát, doanh nghiệp vượt khó

08:09, 27/05/2022

Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh hiện có 38 tổ chức cơ sở đảng tại doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 25 doanh nghiệp có 50% vốn Nhà nước trở lên, 13 doanh nghiệp có vốn Nhà nước 50% trở xuống và không có vốn Nhà nước; 11 ngân hàng.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã kịp thời ban hành, điều chỉnh, bổ sung nhiều chương trình, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế, tập trung mọi nguồn lực thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sản lượng nhiều mặt hàng chủ lực như cà phê, cao su, ong mật, bia đều giảm so với cùng kỳ năm trước, dịch vụ vận tải hoạt động cầm chừng khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Dự báo từ sớm những thách thức, kiên quyết trong chỉ đạo và vào cuộc một cách nghiêm túc, khẩn trương, cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng tại doanh nghiệp đã chủ động đổi mới, nhanh nhạy, linh hoạt để thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, thông qua nhiều giải pháp như: kịp thời điều chỉnh kế hoạch, áp dụng giờ làm linh hoạt; tiết kiệm chi phí sản xuất; tăng cường kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ; khai thác tốt thị trường nội địa; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ; đầu tư trang thiết bị, máy móc công nghệ hiện đại...

Năm 2021, doanh thu toàn khối ước đạt hơn 23.700 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020; nộp ngân sách nhà nước ước đạt hơn 1.671 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng thu ngân sách của tỉnh, trong đó có các đơn vị nộp ngân sách lớn như: Công ty Bia Sài Gòn miền Trung trên 571 tỷ đồng, Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên trên 454 tỷ đồng, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp trên 242 tỷ đồng; Công ty Xổ số kiến thiết trên 109 tỷ đồng…

Nhân viên vận hành Công ty Thủy điện Buôn Kuốp ghi số liệu vào Nhật ký vận hành điện tử.

Lợi nhuận toàn khối ước đạt hơn 468 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2020); kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 209 triệu USD (chiếm hơn 35% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020), kim ngạch nhập khẩu hơn 1,7 triệu USD; 35/38 doanh nghiệp kinh doanh có lãi và thực hiện đầy đủ kịp thời chế độ, chính sách đối với người lao động; thu nhập bình quân của người lao động đạt gần 12 triệu đồng/người/tháng (kế hoạch đề ra là 7 triệu đồng trở lên).

Đồng chí Trương Công Thái, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh cho biết, để tạo đà phát triển trong thời gian tới, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh sẽ chủ động đồng hành với doanh nghiệp, kịp thời kiến nghị, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Cùng với đó, tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp theo Chương trình số 17-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân. Tích cực triển khai tham gia, thực hiện chương trình thương mại điện tử đi đôi với việc thu hút và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước về tiền tệ, tín dụng; chủ động sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác huy động vốn từ địa phương và tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương; đáp ứng được nhu cầu tín dụng và đầu tư phục vụ sản xuất, kinh doanh cho các thành phần kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.

Minh Khang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.