Phát huy sức mạnh đại đoàn kết, xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Người, trở thành chiến lược cách mạng của Đảng và dân tộc, tạo nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ 20 và là nguồn động lực - sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc được hình thành trên cơ sở kế thừa và phát triển chủ nghĩa yêu nước, truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử; đồng thời, tiếp thu tinh hoa văn hóa toàn nhân loại, đặc biệt là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam trong mỗi thời kỳ, giai đoạn cách mạng.
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam. Người cho rằng, sức mạnh và lực lượng đoàn kết của nhân dân là vô cùng vĩ đại. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, chính Người đã vạch ra phương châm cho sự thắng lợi tất yếu của cách mạng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đại đoàn kết dân tộc là nguồn sức mạnh vô địch, là động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Người khẳng định: “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”; “Nhờ đại đoàn kết mà trong bao nhiêu thế kỷ, nhân dân Việt Nam đã bảo vệ được độc lập, tự do của mình. Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân Việt Nam đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân, đưa Cách mạng Tháng Tám thành công và đã kháng chiến đến thắng lợi”. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải được xây dựng trên lập trường của giai cấp công nhân, phải được tạo dựng, bao gồm lực lượng của toàn dân tộc, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, nam nữ, giàu, nghèo... trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua đội tiền phong là đảng cộng sản. Người chỉ rõ: “Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân”.
Lãnh đạo tỉnh tham quan sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của các địa phương. Ảnh: Minh Thuận |
Tư tưởng nhất quán của Người là: Đại đoàn kết toàn dân mang tính chiến lược cơ bản, lâu dài của cách mạng, không phải là nhất thời: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài..., không phải là một thủ đoạn chính trị... Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.
Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soi sáng bước đường cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Kế thừa và phát huy tư tưởng của Người, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là thời kỳ đổi mới, Đảng tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Khơi nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để Đắk Lắk phát triển
Trong quá trình lịch sử, từ khi thành lập đến nay (23/11/1940), Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời, vận dụng đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị qua mỗi giai đoạn cách mạng.
Đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị theo phương châm: Đại đoàn kết phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm lợi ích của nhân dân, tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi chính đáng của dân. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, đồng thuận và tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Từ một tỉnh miền núi nghèo nàn, lạc hậu, đến nay Đắk Lắk đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một tỉnh khá của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2015 - 2020 đạt 8,75%; quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt 62.500 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 44,86 triệu đồng. Năm 2021, trong điều kiện ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng đạt 5,1%; quy mô nền kinh tế đạt 52.481,1 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 49,98 triệu đồng; vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 42.000 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước đạt 8.150 tỷ đồng. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng lên; năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 6,34%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 14,08%.
TP. Buôn Ma Thuột hôm nay. Ảnh: Hoàng Gia |
Cùng với tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, việc giữ gìn truyền thống đoàn kết, thống nhất trong đảng bộ luôn được các cấp ủy, tổ chức đảng đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh ngày càng được nâng lên; tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên ngày càng lớn mạnh. Đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh có 20 đảng bộ trực thuộc, có 706 tổ chức cơ sở đảng, với hơn 83.000 đảng viên, 100% thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều có chi bộ.
Những kết quả nêu trên khẳng định sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh là động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, là nền tảng quan trọng để Đảng bộ tỉnh lãnh đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị.
Trong thời gian tới, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, đưa Đắk Lắk phát triển lên một tầm cao mới, cần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí, nghị lực và sức sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mục tiêu đó cũng là động lực, là mẫu số chung duy nhất để tạo lập khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc càng được nhân lên khi dựa trên nền tảng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trên những thành quả của tỉnh đã đạt được, hơn cả là niềm tin của nhân dân vào sự nỗ lực, vào quyết tâm xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn..
Phạm Minh Tấn
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy
Ý kiến bạn đọc