Multimedia Đọc Báo in

Tinh thần tự phê bình và phê bình trong tác phẩm "Tự chỉ trích" của đồng chí Nguyễn Văn Cừ

08:04, 08/07/2022

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà tư tưởng - lý luận xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam. Tác phẩm “Tự chỉ trích” xuất bản vào ngày 20/7/1939 của đồng chí Nguyễn Văn Cừ là đóng góp quan trọng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; là một tác phẩm lý luận mẫu mực về tinh thần phê bình và tự phê bình, đúng đắn của người đảng viên.

Điểm nổi bật của tác phẩm khẳng định sự cần thiết về việc đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng và đảng viên. Theo đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đối với một đảng chính trị, việc mắc phải khuyết điểm, thậm chí sai lầm là một thực tế khó tránh. Cho nên, phải nhờ tự phê bình và phê bình mà Đảng nhận rõ khuyết điểm, mạnh dạn thừa nhận khuyết điểm và kịp thời sửa đổi. Thái độ và tinh thần làm việc như vậy sẽ làm cho Đảng mạnh lên, quần chúng thêm tin tưởng và kẻ địch không có cớ để lợi dụng.

Sự cần thiết phải tiến hành tự phê bình và phê bình, bởi vì “Đảng còn trẻ tuổi nên còn phạm nhiều khuyết điểm, nhiều sự sai lầm; điều ấy Đảng luôn luôn “tự chỉ trích” thành thật và mạnh dạn công nhận để sửa đổi”. Do đó, Đảng hoan nghênh sự phê bình của mỗi đảng viên nhưng sự phê bình đó phải có nguyên tắc và không làm giảm uy tín của Đảng.

Mục đích, động cơ của tự phê bình và phê bình: “để chỉ có một ý chí duy nhất là ý chí của Đảng, nghìn người sẽ như một để thực hành ý chí ấy” và là “để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện, để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng càng được thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi”. Bởi vì, “Phê bình Đảng là để thống nhất tư tưởng, để rèn luyện mình, để đề cao uy tín và ảnh hưởng của Đảng, nhằm làm cho Đảng ngày càng mạnh và cách mạng ngày càng phát triển. Muốn vậy, phê bình phải nắm vững mục đích xây dựng Đảng, xây dựng đồng chí mình, không được đả kích hoặc cường điệu những sai lầm, khuyết điểm của đồng chí mình”.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ (1912 - 1941), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 1938 - 1940. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Về nội dung đấu tranh phê bình và tự phê bình: nhằm uốn nắn những lệch lạc như chủ quan, tả khuynh, hữu khuynh, nội bộ mất đoàn kết; sai lầm trong phương thức vận động quần chúng… Những sai lầm, khuyết điểm này ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới việc thực hiện các mục tiêu chiến lược và sách lược cách mạng của Đảng, “Đảng có bổn phận phải phân tích xác thực hoàn cảnh, không bi quan, hoảng hốt mà cũng không đắc chí, tự mãn để tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa chữa và tiến thủ”.

Về phương pháp phê bình và tự phê bình: “Mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận, tự do chỉ trích, miễn là sự thảo luận luôn luôn mang tinh thần Bôn-sê-vích, không làm giảm uy tín của Đảng, nhằm làm cho kẻ thù không thể hí hửng tìm ở đây một sự chia rẽ hay mầm bè phái gì giữa những người cộng sản. Vì trong thảo luận, thiểu số phục tùng đa số, chỉ có một ý chí duy nhất là ý chí của Đảng, nghìn người như một để thực hành ý chí ấy”.

 Về thái độ của tự phê bình và phê bình, “Tự chỉ trích Bôn-sê-vích không phải là công kích Đảng, mạt sát Đảng, đặt danh dự cá nhân lên trên tất cả quyền lợi của Đảng, của cách mệnh”; hay “đem ý kiến riêng dù cho đúng - đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái chia rẽ trong hàng ngũ Đảng”, mà nhất thiết phải xuất phát từ động cơ xây dựng Đảng.

Tác phẩm “Tự chỉ trích” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một ấn phẩm lý luận chính trị nổi tiếng, nêu tấm gương sáng về tính chiến đấu, về việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng, bảo đảm tính đúng đắn, trong sáng và tất thắng của đường lối chính trị của Đảng. Tác phẩm còn là văn kiện tổng kết những kinh nghiệm phong phú về việc thực hiện chính sách mặt trận, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, là cẩm nang của Đảng trong mọi thời kỳ về xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất và sức chiến đấu của Đảng, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Tự phê bình và phê bình đang trở thành yêu cầu cấp thiết để ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, góp phần làm trong sạch Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tính tích cực, chủ động tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên là giải pháp có ý nghĩa quyết định đến việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, qua đó, “Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên”. Bên cạnh đó, từng cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu, tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mình trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ là dịp để các cấp ủy đảng và mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, ý nghĩa, nguyên tắc, nội dung và hình thức trong tự phê bình và phê bình theo tinh thần tác phẩm "Tự chỉ trích" của cố Tổng Bí thư, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.