Multimedia Đọc Báo in

Y Ơn Niê - Người con vùng căn cứ cách mạng

16:41, 31/07/2022

Sinh ra, lớn lên và hy sinh tại mảnh đất giàu truyền thống cách mạng - buôn Đắk Tuôr (xã Cư Pui, huyện Krông Bông), Liệt sĩ Y Ơn Niê luôn sống mãi trong lòng người dân nơi đây.

Trở lại buôn căn cứ cách mạng Đắk Tuôr những ngày tháng 7, nơi ghi dấu một thời đầy khói lửa của quân và dân các dân tộc huyện Krông Bông nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng trong những năm tháng kháng chiến, ít ai mà không ngậm ngùi mường tượng về một thời lịch sử hào hùng. Đặc biệt là tưởng nhớ về hình ảnh người Anh hùng Y Ơn Niê.

Những người già trong buôn Đắk Tuôr kể lại rằng, từ năm 1965 - 1975, nơi đây được xây dựng làm Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk. Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III (tháng 7/1976) cũng được tổ chức tại buôn Đắk Tuôr. Ngày đó, từ già đến trẻ không ai không đi theo cách mạng.

Có những người tuy còn rất trẻ nhưng đã một lòng trung thành, kiên cường bám trụ lý tưởng cách mạng. Điển hình nổi lên trong buôn là chàng trai Y Ơn Niê. Tuy mới ở tuổi còn rất trẻ nhưng anh đã có một ý chí đanh thép, không khuất phục quân thù.

Đoàn viên, thanh niên xã Cư Pui dâng hương tại Nhà tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Y Ơn Niê (buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui, huyện Krông Bông).

Vào tháng 9/1962, khi địch tổ chức đi càn, bao vây nhiều ngày tại khu sản xuất của đồng bào buôn Đắk Tuôr, Y Ơn khi ấy là Xã đội trưởng chỉ huy Đội du kích buôn Đắk Tuôr đã một mình cắt đường rừng để đi trinh sát nắm tình hình địch. Khoảng giữa trưa, địch từ các hướng bao vây, Y Ơn không may sa vào tay giặc. Kẻ thù đã dùng mọi cực hình tra tấn khủng khiếp nhất đến dụ dỗ, mua chuộc hòng khuất phục ý chí cách mạng của người thanh niên này. Khi ấy, Y Ơn vừa thấy mặt người con gái đầu lòng mới sinh, kết quả của tình yêu với cô vợ trẻ H'Mun Byă ở cùng buôn. Vào một buổi sáng tháng 10/1962, địch trói tay, bịt mắt đưa anh về khu vực đồng bào buôn Đắk Tuôr đang trú ẩn rồi yêu cầu anh kêu gọi đồng bào quay về "khu tập trung". Nhưng với khí tiết của một người đảng viên cách mạng, Y Ơn dõng dạc hô to: “Mỹ ngụy là người xấu, bà con mình hãy đi theo cách mạng, theo Đảng, theo Bác Hồ đến cùng. Bà con đừng nghe theo lời dụ dỗ của bọn chúng, bọn chúng không thả tôi đâu, chúng sẽ giết chết tôi...". Không khuất phục được anh, quân thù hèn hạ sau khi nghe thấy những lời trên đã hành quyết anh trước mặt nhân dân trong buôn. Sự hy sinh của Y Ơn đã khơi dậy ý chí đấu tranh và lòng căm thù giặc sâu sắc của nhân dân trong và ngoài buôn. Từ đó mọi người đồng lòng đi theo cách mạng và tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ bảo vệ vững chắc khu căn cứ cách mạng.

Đoàn viên, thanh niên xã Cư Pui thăm và tặng quà bà H'Mun Byă (vợ Liệt sỹ Y Ơn Niê) tại Nhà tưởng niệm Anh hùng Liệt sỹ Y Ơn Niê (buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui, huyện Krông Bông).

Sau khi đất nước được giải phóng, nhằm ghi nhận công lao của người chiến sĩ dũng cảm, năm 1996, Liệt sĩ Y Ơn Niê đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Vào tháng 5/2015, huyện Krông Bông đã khởi công xây dựng Nhà tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Y Ơn Niê bằng nguồn kinh phí trích từ quỹ Chương trình 26 của Ban Thường vụ Huyện ủy về "Làm theo lời Bác thực hành tiết kiệm hướng về cơ sở" và kinh phí tài trợ của Công ty 96 Binh đoàn 11 - Bộ Quốc phòng. Nhà tưởng niệm có diện tích 40 m2, chiều dài 8m, chiều rộng 5 m, được thiết kế theo kiến trúc truyền thống của đồng bào dân tộc M’nông, nhà sàn bằng gỗ, lợp tôn. Địa điểm xây dựng trong khuôn viên gia đình vợ Anh hùng Liệt sĩ Y Ơn Niê (buôn Đăk Tuôr, xã Cư Pui). Sau lễ khánh thành, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Bông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai kế hoạch sưu tầm hiện vật liên quan đến cuộc đời, quá trình hoạt động cách mạng và phục chế chân dung Anh hùng Liệt sĩ Y Ơn Niê để trưng bày tại nhà tưởng niệm phục vụ khách đến tham quan. Kể từ đó, nơi đây trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng, nơi về nguồn của các thế hệ trẻ.

Chiến tranh đã qua đi gần 50 năm, những nhà tranh vách nứa trong khu căn cứ ngày ấy không còn, giờ đây chỉ có cỏ cây xanh mượt phủ lên nền đất cũ. Con đường mòn luồn dưới các ngọn tre nứa ngày xưa để quân ta rút lui lên hang đá Đắk Tuôr khi giặc càn nay đã được thay bằng con đường bê tông quang đãng. Đất nước đổi mới, cảnh vật nơi đây cũng có phần khác xưa, diện mạo của buôn căn cứ cách mạng Đắk Tuôr - nơi ghi dấu chân của Anh hùng Liệt sĩ Y Ơn Niê đang từng ngày thay đổi.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui cho biết, phát huy truyền thống anh hùng, người dân buôn Đắk Tuôr nỗ lực lao động, sản xuất, chỉnh trang nhà cửa, góp công góp của xây dựng đường sá, dọn dẹp vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan thôn, xóm. Các tổ chức đoàn thể của xã đảm nhiệm quản lý, thường xuyên phát dọn vệ sinh, trồng nhiều loại hoa, cây cảnh trên các con đường từ trung tâm xã đến buôn, đường nội vùng trong buôn, đường vào khu di tích, đường vào thác Đắk Tuôr. Nhiều ngôi nhà sàn và Nhà tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Y Ơn Niê được người dân gìn giữ, nâng cấp, sửa chữa hoặc làm mới khang trang.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.