Huyện Krông Pắc: Đổi mới, nâng cao chất lượng phản biện xã hội
Huyện Krông Pắc đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư trên tất cả các lĩnh vực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) không ngừng đổi mới trong thực hiện vai trò phản biện xã hội, tập hợp sức mạnh của nhiều tổ chức, cá nhân đại diện cho các tầng lớp nhân dân, phát huy tính dân chủ ngay từ giai đoạn đầu lập dự án.
Dự án nhà máy sản xuất bao bì, túi xách tại xã Hòa Tiến là một trong những dự án được kỳ vọng giải quyết việc làm hiệu quả cho lao động tại địa phương. Thông tin từ nhà đầu tư quan tâm cho thấy, dự án sử dụng khoảng 2 ha đất để xây dựng nhà xưởng và các công trình phụ trợ phục vụ may bao bì nhựa PP xuất khẩu với tổng nguồn vốn đầu tư 40 tỷ đồng. Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động phổ thông tại địa phương trong các công đoạn may túi, đóng gói, vận chuyển nội bộ... với thu nhập có thể lên đến hơn 10 triệu đồng/người/tháng.
Đại biểu tham gia phản biện xã hội đối với Dự án nhà máy sản xuất bao bì, túi xách tại xã Hòa Tiến. |
Tại hội nghị phản biện về dự án này do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pắc tổ chức, nhiều cá nhân, tổ chức đại diện cho các tầng lớp nhân dân xã Hòa Tiến đã nêu rõ những băn khoăn, kỳ vọng của bản thân cũng như người dân. Đa số các ý kiến đều tỏ ra phấn khởi khi lao động tại địa phương, đặc biệt là lao động trẻ có cơ hội việc làm ngay tại quê nhà, không cần phải đi vào các tỉnh thành phố lớn như bấy lâu nay. Do tính chất công việc không đòi hỏi trình độ chuyên môn sâu nên đối tượng lao động rất rộng mở, được đào tạo ngay tại nhà máy. Tuy nhiên, nhiều ý kiến rất băn khoăn về vấn đề thực hiện bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông khi nhà máy đi vào hoạt động với số lượng lớn công nhân, mức độ khả thi và năng lực của nhà đầu tư nhằm tránh tình trạng dự án kéo dài, gây lãng phí đất đai…
Hội nghị phản biện xã hội về Dự án trang trại nuôi gà đẻ trứng trên địa bàn xã Vụ Bổn. |
Qua 4 lần tổ chức, các hội nghị phản biện xã hội đã mở rộng dân chủ để các tổ chức, cá nhân đại diện cho nhân dân được tham gia đóng góp ý kiến, bày tỏ quan điểm đối với chủ trương thực hiện dự án từ các cấp chính quyền, tạo sự đồng thuận và nhận thức cao hơn khi dự án đi vào thực hiện. Hội nghị cũng góp một kênh thông tin quan trọng cho các cơ quan chính quyền huyện trong việc thu hút đầu tư có chọn lọc, đáp ứng kỳ vọng, nguyện vọng chính đáng của nhân dân". Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pắc Ngô Bá Nghiệp
|
Bí thư Đảng ủy xã Hòa Tiến Trịnh Minh Tâm cho hay, thông qua hội nghị phản biện xã hội, lãnh đạo địa phương cùng các tổ chức đoàn thể có cái nhìn rõ nét hơn về dự án đang trong quá trình kêu gọi nhà đầu tư được thực hiện ngay trên địa bàn, phạm vi mình quản lý. Nhờ đó, địa phương không chỉ nắm bắt tốt hơn những vấn đề dư luận xã hội đặt ra mà còn chủ động hơn trong các mặt công tác, nhằm đảm bảo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp song hành với việc không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng dân cư.
Còn tại xã Vụ Bổn, Dự án trang trại nuôi gà đẻ trứng cũng được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đưa vào nội dung phản biện. Dự án sử dụng 150.000 m2 phục vụ xây dựng trang trại và các công trình phụ trợ với tổng mức đầu tư dự kiến 120 – 150 tỷ đồng. Mặc dù dự án cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của xã vùng 3, tạo việc làm cho nhiều lao động, song nhiều ý kiến tại hội nghị phản biện xã hội đặt ra băn khoăn về hỗ trợ cây trồng và tài sản trên đất cho người dân, cam kết xử lý chất thải, quản lý an toàn dịch bệnh để đảm bảo cho sản xuất của cả khu vực, triển vọng mở rộng liên kết chăn nuôi với các hộ dân trong tương lai... Những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu tại hội nghị phản biện xã hội đều được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổng hợp cụ thể để chuyển đến UBND huyện và các cơ quan chức năng xem xét, cân nhắc trong việc kêu gọi, đàm phán với nhà đầu tư và thực hiện dự án.
Giám sát và phản biện xã hội là hai chức năng quan trọng của MTTQ. Tuy vậy, thời gian trước, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pắc chủ yếu thực hiện phản biện xã hội qua việc tổ chức các hoạt động tiếp xúc cử tri. Từ năm 2021, theo chỉ đạo của Huyện ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện bắt đầu triển khai phản biện có trọng tâm, trọng điểm hơn bằng cách tổ chức các hội nghị phản biện xã hội cho từng đề án, dự án cụ thể. Từ những hiệu ứng tích cực bước đầu, năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã chủ động đề nghị UBND huyện lựa chọn và đề xuất các dự án có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân để đưa ra phản biện xã hội.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc