Multimedia Đọc Báo in

Khát vọng biên cương…(Kỳ 1)

06:12, 04/09/2022

Đắk Lắk có hai huyện biên giới là Ea Súp và Buôn Đôn tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri của nước bạn Campuchia. Trên cao nguyên đất đỏ trù phú, bao la, dường như cái nắng rát của mùa khô và úng lũ mùa mưa đã được Ea Súp và Buôn Đôn hào phóng đón nhận phần nhiều về mình.

Nắng, gió, lũ lụt, đất đai khô cằn, đá sỏi và cả sự lũng đoạn của tà bóng FULRO một thời là những thách thức, gian nan của hai huyện biên giới này. Thế nhưng nơi ấy đã tôi luyện nên những “trụ cột sống” đáng trân quý, âm thầm cống hiến với khát vọng dựng xây cuộc sống thêm ấm no, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, làm vững chắc thêm phên giậu Tổ quốc.

Kỳ 1:  “Cái rốn” của FULRO một thời

Khát vọng biên cương… luôn cháy bỏng, nhất là sau giải phóng, mỗi người càng ý thức sâu sắc hơn về cái giá của độc lập. Bởi vậy, những ngày đầu mở đất, khai sinh ra Ea Súp và Buôn Đôn, dù chất chồng khó khăn và cả hiểm nguy nhưng hơn hết là quyết tâm vượt lên tất cả. Tà bóng FULRO và cuộc chiến để xóa bỏ tổ chức phản động này, vận động, thức tỉnh, cảm hóa những người sa chân trở về con đường sáng của Đảng và nhân dân vô cùng cam go, có cả nước mắt và máu.

Ngày 30/8/1977, Chính phủ ra Quyết định số 230/CP phê chuẩn việc thành lập huyện Ea Súp (gồm cả một phần của huyện Buôn Đôn ngày nay) trên cơ sở tách ra từ huyện Krông Búk. Nghèo đói, lạc hậu là bối cảnh chung của các địa phương sau giải phóng. Nhưng với vùng đất biên giới Ea Súp, Buôn Đôn thì khó khăn thật không giấy bút nào kể hết. “Khi mới thành lập huyện, gian khổ đến mức một số cán bộ chấp nhận kỷ luật để chuyển công tác”, nguyên Bí thư Huyện ủy Ea Súp Phạm Tấn Bê, mở đầu câu chuyện với chúng tôi khi nói về những ngày đầu đầy khó khăn, thử thách. Ông giơ 4 ngón tay rồi kể tên 4 bài toán được đặt ra lúc bấy giờ: xóa FULRO, xóa đói, xóa mù chữ và xóa khố (tức xóa lạc hậu). Nói rồi, ông rút lại ba ngón và nhấn mạnh, nguy hiểm, cấp bách nhất lúc bấy giờ là xóa FULRO.

"Bóng ma" FULRO

FULRO - Mặt trận thống nhất đấu tranh của các sắc tộc bị áp bức là một tổ chức chính trị, quân sự do một số người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thành lập năm 1964 để chống lại chính quyền Việt nam Cộng hòa. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được các thế lực phản động quốc tế hỗ trợ, lực lượng này quay sang chống phá cách mạng Việt Nam.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh tuần tra bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

Khi đất nước hoàn toàn độc lập, đế quốc Mỹ, ngụy quân, ngụy quyền để lại trên địa bàn huyện Ea Súp 1.920 đối tượng chính trị, lợi dụng cơ hội bọn FULRO ngóc đầu dậy chống phá. Chúng đẩy mạnh các hoạt động bám sát buôn làng, thân nhân gia đình có người đi lính cho chế độ Việt Nam Cộng hòa và chính gia đình của chúng để làm chỗ dựa, làm nơi ẩn náu. Chúng cấu kết với bọn ngụy quân, ngụy quyền, lợi dụng địa bàn hiểm trở, bí mật xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng đòi Tây Nguyên tự trị. Với những thủ đoạn mị dân, đe dọa, khống chế, uy hiếp, cướp của giết người, chặn xe cướp hàng, đốt xe…, chúng lấy lương thực, lôi kéo cán bộ và một số thanh niên người đồng bào dân tộc ra rừng bổ sung, củng cố lực lượng.

Việc truy quét vô cùng khó khăn khi căn cứ của FULRO nằm trong rừng, thậm chí trà trộn, cài cắm vào các tổ chức tại chỗ ở địa phương. Nhiều địa bàn như trụ sở xã Ea H’đing; buôn Iang, buôn Mấp A-B, xã Ea Pốk; buôn Sút Lút, Sút Trang, thôn Bình An, xã Cư Suê bị FULRO thường xuyên gây rối. Nhiều nơi bị FULRO uy hiếp nặng nề như một số buôn ở xã Krông Na (thuộc huyện Buôn Đôn ngày nay), Cư Suê, Ea Pốk, Ea H’đing. Hàng trăm đồng bào bị khủng bố, lừa gạt, lôi kéo ra rừng theo FULRO; tổ chức thành lực lượng, chia thành nhiều toán, bám về địa phương móc nối cơ sở, nắm tình hình ta, ám sát cán bộ, tuyên truyền đầu độc quần chúng…

Trong những năm 1976 - 1979, FULRO liên tiếp tổ chức các hoạt động phục kích, tập kích, gây nhiều thiệt hại về người và của. Câu chuyện của hơn 20 đồng bào chết và bị thương do bị FULRO bắn khi đi khai hoang cánh đồng Ea Bar xảy ra 46 năm về trước vẫn còn là nỗi ám ánh của nhiều người sống ở thời điểm ấy. Trong ký ức của thế hệ những người gắn bó với Ea Súp từ thuở sơ khai như ông Phạm Tấn Bê, không thể kể hết những hành động chống phá điên cuồng của FULRO khiến an ninh chính trị khu vực biên giới những năm sau giải phóng vô cùng phức tạp. Đó là vụ việc từ 21 giờ đêm 7/9 đến 9 giờ sáng 8/9/1977, hơn 30 tên FULRO tập kích vào xã Ea Súp bắn chết 4 người, làm bị thương 23 người. Hay đêm 19/12/1978 có 21 tên FULRO tập kích vào xã Ea H’đing bắn chết 6 người, lôi kéo 6 du kích phản cách mạng, đốt cháy dãy nhà 3 gian, 17 tấn thóc...

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 1979, bọn tàn quân Pôn Pốt câu kết với FULRO gây ra 8 vụ đánh phá trên các tuyến đường hành lang dọc biên giới Krông Na - Ea Súp… Hòa bình đã lập lại nhưng "bóng ma" FULRO vẫn gieo tang tóc, đau thương, nước mắt vẫn rơi, máu vẫn đổ. Đôi mắt nguyên Bí thư Huyện ủy Phạm Tấn Bê ngân ngấn nước, giọng ông chùng xuống khi nhắc đến nhiều cán bộ đã hy sinh trong cuộc chiến chống FULRO ngay thời kỳ đầu xây dựng chính quyền. Đó là các đồng chí Lý Văn Vanh, cán bộ Công an huyện; đồng chí Thắng, Cơ quan Quân sự huyện; Đào Thanh Xuân, công nhân Nông trường Ea Pốk; đội trưởng đội chiếu bóng số 10 Y Branh…

Bóc gỡ tổ chức phản động

Chỉ thị 04 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đầu năm 1977 về việc giải quyết vấn đề FULRO đã thực sự trở thành kim chỉ nam cho Tỉnh ủy Đắk Lắk và cấp ủy, chính quyền huyện Ea Súp khi thành lập.

Thiêng liêng cột mốc chủ quyền biên giới.

Tỉnh ủy đã điều động nhiều cán bộ các ban, ngành và huyện tăng cường xuống bám cơ sở, bám đất, bám dân phát động quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, củng cố chính quyền cơ sở với phương châm “bên ngoài truy quét, bên trong vận động, bóc gỡ”.

 

Bên ngoài dùng lực lượng truy quét FULRO, bên trong phát động quần chúng, phục vụ đánh địch bên ngoài. Không có ánh sáng của Đảng, đồng bào các dân tộc Ea Súp, Buôn Đôn không có được ngày hôm nay”.

 

 
Ông Phùng Văn Bửu, nguyên Chủ tịch UBND huyện Ea Súp; Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Buôn Đôn

Cấp ủy địa phương đề ra nhiệm vụ tấn công địch bên trong làng, buôn, tập trung vào vùng Tin lành bị FULRO lợi dụng hoạt động, vùng xa xôi hẻo lánh; đồng thời tổ chức đánh vào các căn cứ FULRO ngoài rừng. Trong những năm 1977 - 1979, việc xây dựng thôn, buôn chiến đấu được đẩy mạnh hạn chế được sự móc nối của địch từ ngoài vào. 6000 lao động được huy động và chỉ trong 10 ngày phát quang hai bên đường bảo đảm an toàn tuyến giao thông từ huyện về các xã phía đông nam. Lực lượng vũ trang và lực lượng an ninh của huyện đã liên tiếp chiến đấu, truy quét 107 trận, tiêu diệt, bắt sống và gọi hàng trên 300 tên.

Những cán bộ đảng viên chủ yếu là tăng cường thời ấy gánh trên vai nhiều nhiệm vụ, vừa làm việc nhà nước, vừa đi khai hoang tăng gia sản xuất, tối tối đi tuyên truyền vận động. Toàn huyện tập trung làm công tác phát động quần chúng bằng các hình thức như phát động rộng rãi tập trung, phát động theo ngành và theo giới, phát động cá biệt đối với từng gia đình và từng người. Những cán bộ nằm vùng phải liên tục thay đổi địa điểm nơi ăn ngủ để bảo đảm an toàn. Cuộc sống gian khổ bởi cái đói kinh niên, rồi muỗi rừng, vắt rừng, sốt rét và thời tiết khắc nghiệt tới mức ngày hè phải đổ nước phía dưới rồi kê dát giường lên trên nằm mới chống chịu nổi cái nóng nực của vùng biên.

Giai đoạn 1985 - 1990 là cao điểm của phong trào kêu gọi FULRO về hàng. Vừa đẩy mạnh đấu tranh, vừa kết hợp xây dựng kinh tế gắn với quốc phòng, các công trường và lâm nông trường, các khu kinh tế hình thành đến đâu, xây dựng tổ chức chính trị đến đó, được huấn luyện và trang bị vũ khí, lực lượng công an nhân dân cũng tăng cường. Cấp ủy địa phương đã có nhiều sáng kiến để ổn định đời sống đồng bào, cảm hóa các đối tượng bị FULRO lôi kéo. Đó là thực hiện các chương trình khai hoang để cấp đất sản xuất, hướng dẫn đồng bào tại chỗ biết dùng trâu, bò làm sức kéo, định canh định cư, làm lúa nước hai vụ, từng cơ quan đơn vị kết nghĩa với các buôn làng. Vùng đồng bào dân tộc ít người thi đua phát triển phong trào sản xuất lương thực, vệ sinh phòng bệnh, học chữ quốc ngữ và văn nghệ quần chúng, làm dấy lên một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong nhân dân.

Quân dân chung lòng bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới.

Những việc làm để giúp ấm cái bụng, ổn định chỗ ở đã cảm hóa được các đối tượng. Nhờ vậy, việc giải quyết vấn đề FULRO và trấn áp các lực lượng phản cách mạng đạt nhiều kết quả. Qua các đợt phát động quần chúng, cấp ủy chính quyền địa phương đã tổ chức hàng nghìn lượt người đi kêu gọi người thân bị lôi kéo theo FULRO quay trở về với nhân dân. Khoảng những năm 1990, bài toán hóc búa nhất là xóa FULRO trên địa bàn huyện từng bước cơ bản được giải quyết.

Những giải pháp đó của huyện Ea Súp ngày ấy cũng trở thành cơ sở nền tảng của nhiều chương trình, chính sách đối với người đồng bào dân tộc tại chỗ ở cấp tỉnh và Trung ương sau này.

Nghe lại câu chuyện chống FULRO một thời càng thấm thía hơn ý nghĩa, giá trị từ ánh sáng soi đường của những chủ trương, quyết sách mang tính điểm huyệt cũng như tinh thần, khí chất đảng viên – “vũ khí” gỡ dần nút thắt khó khăn nhất giai đoạn đầu thành lập huyện ở vùng biên giới này.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Sỏi đá cũng thành… cơm

Đàm Thuần - Quỳnh Anh - Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.