Multimedia Đọc Báo in

Công tác tư tưởng phải đi trước một bước

07:49, 30/10/2022

Trong nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh: tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm: tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức…; kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Các nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII đã phân tích rõ những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là tình trạng tiêu cực, là sự tự biến đổi, thay đổi tư tưởng chính trị trong nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, đi ngược mục tiêu lý tưởng, đạo đức cách mạng của Đảng và bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; làm giảm sút sức chiến đấu của Đảng, dẫn đến triệt tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, đoàn thể các cấp.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn trao thưởng Giải báo chí về xây dựng Đảng lần thứ III - năm 2021. Ảnh minh họa: Thế Hùng

Việc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là quá trình đấu tranh lâu dài, đan xen nhau giữa các mặt tích cực và tiêu cực trong mỗi cá nhân, tổ chức, đơn vị. Nếu công tác đấu tranh bị buông lỏng, yếu tố tiêu cực sẽ tăng dần lên, yếu tố tốt đẹp sẽ giảm đi, phai nhạt dần; đến khi yếu tố xấu vượt trội, thắng thế, chi phối thì sẽ tạo ra sự “tự chuyển hóa” rất nguy hiểm.

Vì vậy, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” phải bắt đầu từ công tác tư tưởng đi trước một bước, với việc làm tốt giáo dục, chính trị, tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động của mỗi cá nhân trong cuộc sống, công việc hằng ngày.

Thực tế cho thấy, việc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không phải là vấn đề gì cao xa, mang tính vĩ mô cả mà cần phải được nhận diện, đặt ra một cách nghiêm túc ngay trong chính nội bộ của mỗi cơ quan, đơn vị. Quả thật, nếu ở cơ quan, đơn vị nào vẫn còn kiểu độc đoán, mất dân chủ thì môi trường làm việc sẽ thiếu công bằng, dẫn đến những tư tưởng, tiêu cực khác trầm trọng hơn. Mọi người luôn nghi ngờ lẫn nhau, dè dặt, giữ kẽ từng lời ăn tiếng nói, không những không bao giờ có ý kiến đóng góp mà còn không dám chịu trách nhiệm, luôn sợ sai.

Ngay cả những người chuyên môn giỏi, tính cách sống thẳng thắn cũng sẽ cảm thấy mình hèn đi, sống trong một vỏ bọc, không dám phát huy hết khả năng làm việc. Tinh thần, ý chí đấu tranh, phê bình sẽ bị triệt tiêu. Mọi người sẽ xem cơ quan chỉ như là nơi để lĩnh lương, phục vụ mục đích riêng của mình, chứ chẳng bao giờ có ý thức xây dựng, đưa nó đi lên. Sống và làm việc trong môi trường bị “vẩn đục”, không được dân chủ, thoải mái như vậy mãi, dần dần mỗi người sẽ có những tư tưởng, nhận thức lệch lạc, mà cao hơn đó là “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” về mặt đạo đức, tư tưởng, chính trị.

Vì vậy, khoan nói đến những vấn đề vĩ mô, cao xa mà mỗi cơ quan, đơn vị cần phải xác định và có ý thức làm tốt công tác tư tưởng, bắt đầu từ việc xây dựng một môi trường làm việc thực sự lành mạnh. Qua đó, mọi thành viên phát huy tính tích cực, biết phấn đấu vì sự nghiệp chung, đẩy lùi những hạn chế, tiêu cực trong tư tưởng, hành động, công việc hằng ngày.

Một môi trường làm việc lành mạnh tất yếu chỉ có được ở một tập thể phát triển vững mạnh, với người lãnh đạo, quản lý có nhân cách mẫu mực, hoàn thiện và thực sự có uy tín cao. Điều này chỉ có được khi mỗi người trong cơ quan, đơn vị biết sống, gắn bó, đoàn kết, chăm lo cho nhau.

Mặt khác, ngay chính trong đội ngũ lãnh đạo cũng cần có sự đoàn kết, nhất trí cao, không có biểu hiện bè phái, cục bộ, để tạo sự thống nhất trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động chuyên môn. Cho dù có lúc, có nơi, có những việc cần phải giải quyết một cách quyết liệt, triệt để, gây mất lòng người này, người nọ, nhưng tất cả vì công việc chung của cơ quan thì chắc chắn ai cũng sẽ đồng lòng, thống nhất. Lãnh đạo cơ quan cũng phải biết nhìn nhận, đánh giá đúng từng mặt mạnh, mặt yếu của từng cá nhân để giao việc cũng như tạo điều kiện cho mọi người phấn đấu.

Sống và làm việc trong môi trường như vậy, chắc chắn mỗi cán bộ, công chức, viên chức sẽ luôn xác định cho mình một cách sống, thái độ làm việc một cách nghiêm túc, luôn biết giữ mối quan hệ đoàn kết với đồng nghiệp.

Cao hơn nữa, mọi người sẽ luôn nêu cao tinh thần tự giác, tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Và cứ như vậy, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, nói không đi đôi với làm sẽ dần bị triệt tiêu.

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.