Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Có ưu đãi mạnh hơn, phát huy thế mạnh, tiềm năng và lợi thế của TP. Buôn Ma Thuột
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, sáng 26/10 các đại biểu tiến hành thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Tạo sự minh bạch trong hoạt động đấu giá biển số ô tô
Cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá, các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết ban hành và nhấn mạnh việc ban hành Nghị quyết nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người mua xe muốn được cấp biển số xe theo mong muốn cá nhân; bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Đại biểu cũng đề nghị làm rõ việc sử dụng nguồn thu từ đấu giá. Số tiền thu được sẽ chuyển vào đâu, phục vụ những mục đích gì để Quốc hội có cơ sở nhận diện giám sát. Hiện dự thảo Nghị quyết đang quy định theo hướng số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương. Đại biểu cho rằng, khoản tiền thu được nên sử dụng vì mục đích nhân đạo, vì cộng đồng.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 12. Ảnh: Quochoi.vn |
Về hình thức, trình tự, thủ tục đấu giá biển số xe có nhiều ý kiến đưa ra rằng nên đa dạng các loại hình đấu giá như trực tiếp hoặc trực tuyến. Đại biểu cho rằng, với yêu cầu đặt ra đấu giá phải phục vụ nhu cầu của một bộ phận người dân nhưng phải đáp ứng nhu cầu về cải cách hành chính và thuận tiện cho minh bạch thì trong quá trình thí điểm lựa chọn phương án đấu giá trực tuyến.
Trước ý kiến cho rằng đã đấu giá thành thì người đấu giá có đầy đủ các quyền về tài sản theo quy định của pháp luật dân sự, đại biểu cho rằng để bảo đảm yêu cầu trong quản lý nhà nước, tránh trường hợp đầu cơ, hay phát sinh những biến tướng, không lành mạnh hay thương mại hóa hoạt động này thì những quyền của người trúng đấu giá biển số có giới hạn nhất định so với quyền dân sự theo quy định của pháp luật dân sự.
Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định trong trường hợp có nhiều người trả cùng một mức giá, quy định cụ thể hơn về trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết vẫn còn nhiều nội dung chưa rõ, chưa phổ quát, cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính xuyên suốt, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, công khai minh bạch, đáp ứng yêu cầu của người dân. Theo ý kiến của đại biểu, dự thảo Nghị quyết cần rà soát, quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục đấu giá và thực hiện việc xác định giá khởi điểm để việc tổ chức thực hiện trên thực tế đảm bảo đúng chủ trương, mục đích đề ra.
Một số đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh, nếu Nghị quyết được thông qua, khâu tổ chức thực hiện rất quan trọng. Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội có vai trò quan trọng trong việc giám sát chặt chẽ; Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ trong việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng khi đấu giá trực tuyến…
Thu hút nhân tài cần chính sách hấp dẫn đủ mạnh
Thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nhiều đại biểu nhất trí với chủ trương này và cho rằng cơ chế đặc thù của thành phố cần chú trọng thu hút nhân tài và phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên.
Các đại biểu đánh giá, TP. Buôn Ma Thuột có vị trí rất quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Việc có thêm các chính sách đặc thù sẽ góp phần tạo tiền đề thu hút đầu tư; phát triển du lịch; nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Phiên thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: Quochoi.vn |
Đi vào một số nội dung cụ thể của chính sách đặc thù, các đại biểu chỉ ra rằng, ban hành cơ chế đặc thù là cần thiết để phát triển liên kết vùng Tây Nguyên. 7 chính sách trong cơ chế đặc thù thì đã có 6 chính sánh cơ bản đang được áp dụng, chỉ có chính sách về thuế là mới. Tuy nhiên, các chính sách này mới chỉ tập trung vào phạm vi TP. Buôn Ma Thuột, như vậy tính kết nối đã rõ chưa, đã xứng tầm hay chưa.
Quan tâm đến chính sách về ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt, đại biểu cho rằng, Dự thảo Nghị quyết quy định chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc TP. Buôn Ma Thuột trong thời gian thực hiện Nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công tại TP. Buôn Ma Thuột.
Theo các đại biểu, việc tạo cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại TP. Buôn Ma Thuột là cần thiết, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, TP. Buôn Ma Thuột cũng không cách xa về mặt địa lý với các thành phố có điều kiện làm việc tốt như TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang. Do đó, ưu đãi đặc thù phải có sự hấp dẫn đủ mạnh thì mới giữ chân được tài năng đặc biệt lựa chọn thành phố là nơi làm việc.
Bên cạnh đó, ngoài các ưu đãi về chế độ, cần tính đến môi trường để phát triển tài năng, việc công nhận, trân trọng những công trình, giá trị sáng tạo, cống hiến của các chuyên gia, nhà khoa học. Đó mới là sự phát triển bền vững, lâu dài để thu hút các tài năng đặc biệt hăng say nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường (Tổ 4) đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Quochoi.vn |
Các đại biểu cũng lưu ý, dự thảo Nghị quyết phải thể chế hóa được đầy đủ, đúng đắn tinh thần Kết luận 67 của Bộ Chính trị về phát triển TP. Buôn Ma Thuột. Các chính sách phải góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh đặc thù; tạo bước đột phát trong tăng trưởng; bảo đảm tính lan tỏa vùng miền, tạo tiền đề phát triển không chỉ đối với TP. Buôn Ma Thuột mà cần tác động sâu rộng đối với cả khu vực Tây Nguyên; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả thực chất.
Đại biểu kiến nghị, dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển địa phương cần xác định thêm các quy định đặc thù khác so với một số địa phương trước đây để tạo sức bật mạnh mẽ, nếu quy định tương tự nhau sẽ khó cho từng vùng, miền để áp dụng.
Góp ý thảo luận tại tổ, một số đại biểu nhận xét chính sách đưa ra còn quá khiêm tốn, “có vẻ thận trọng”. Theo đại biểu, các chính sách đang đề xuất nói là đặc thù, nhưng chỉ vừa tầm với các chính sách đặc thù đã quyết cho các địa phương khác. Những gì mang tính đột phá cho Buôn Ma Thuột chưa nhiều, do vậy cần có ưu đãi mạnh hơn để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, phát huy thế mạnh, tiềm năng và lợi thế của Buôn Ma Thuột - đô thị lớn nhất vùng Tây Nguyên, trung tâm kết nối các vùng trọng điểm phát triển với Lào, Campuchia và là thủ phủ cà phê của Việt Nam…
Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Lê Ngọc Hải (Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Lắk) cho rằng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Tây Nguyên, cũng như Buôn Ma Thuột còn rất thấp; liên kết vùng, nội vùng chưa chặt chẽ; mạng lưới kết nối hạ tầng của vùng, liên vùng thiếu và yếu, còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của TP. Buôn Ma Thuột.
Theo đại biểu, để đảm bảo cho TP. Buôn Ma Thuột phát triển thì cần có nguồn lực nhất định để phát triển các cơ sở hạ tầng thiết yếu, đầu tư cho phát triển, ưu đãi các doanh nghiệp trên địa bàn. Đại biểu đề nghị các bộ, ngành của Chính phủ cần nghiên cứu và có thêm các cơ chế đặc thù, tăng kinh phí hỗ trợ cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược như giáo dục, giao thông, y tế, hạ tầng số…
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc